Trung Quốc hăm dọa dưới biển, 'lật kèo' trên bờ

Ngư trường Hoàng Sa cần nhiều hơn những thuyền trưởng quả cảm như anh Lê Văn Chiến Ảnh: Nam Cường
Ngư trường Hoàng Sa cần nhiều hơn những thuyền trưởng quả cảm như anh Lê Văn Chiến Ảnh: Nam Cường
TP - Nhiều ngư dân vừa trở về từ Hoàng Sa tiếp tục lên tiếng tố cáo tàu hải giám Trung Quốc liên tục đe dọa đẩy đuổi ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn ngư dân nước họ cũng ngày càng lên mặt thách thức, tiến sâu trái phép vào hải phận nước ta. Trên bờ, thương lái Trung Quốc bắt đầu lật kèo giá mực xà khiến đội tàu câu mực lại khốn đốn...

> Cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự trên Biển Đông

Liên tục đe dọa

Anh Đỗ Trọng Khơi - ngư dân trên tàu QNg 93817 (Đức Phổ - Quảng Ngãi) vừa trở về từ Hoàng Sa, kể: Gặp tàu hải giám Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa là chuyện cơm bữa. Đợt họ làm ráo riết, đợt buông lỏng rồi dí đuổi loanh quanh.

Thông thường, hễ thấy tàu biển hiệu QNg là tàu hải giám Trung Quốc tăng cường bắt, phạt. Chuyến vừa rồi tàu anh Khơi cũng bắt gặp tàu hải giám đuổi tàu anh Hồ Văn Trường, nhưng do đứng đằng xa quan sát nên... thoát.

Anh Đinh Văn Hoàng (thuyền trưởng tàu ĐNA 90179 – Thanh Khê Đông) kể, nhiều ngư dân Trung Quốc từ trước đến nay thường xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam, có khi trên đường chạy ra Hoàng Sa, cách bờ khoảng 30 - 40 hải lý, đã thấy từng đội tàu Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt. Trên ngư trường Hoàng Sa và vùng biển chung, thời gian trước ngư dân Trung Quốc vẫn hòa bình thân thiện, không có mâu thuẫn gì lớn.

Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, đã có nhiều biểu hiện sự hung hăng, thách thức ngư dân các nước, đặc biệt là Việt Nam. “Tàu họ rất lớn, thường một dàn 5 - 10 chiếc đánh bắt, chiếc nào cũng cỡ trên dưới 1 ngàn mã lực. Ngay trên vùng biển mình mà họ cũng lớn tiếng đe dọa, cố ý cản phá, đẩy đuổi để giành ngư trường.

Anh Trương Văn Tài (thuyền trưởng tàu ĐNA 90204) cho hay, ngư dân Trung Quốc rất ít hoạt động ở Hoàng Sa mà chủ yếu tiến vào lãnh hải các nước khác.

Dường như họ cố ý để dành, lúc nào khai thác cạn kiệt nguồn hải sản các vùng biển xa mới quay trở lại Hoàng Sa. Vì thế, tàu hải giám nước này thường xuyên quấy nhiễu, bắt phạt ngư dân nước khác, đặc biệt tàu Việt Nam.

Anh Lê Văn Chiến (chủ tàu ĐNA 90351) - người vừa được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen điển hình ngư dân sản xuất giỏi, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, tâm sự: Nói chuyện đụng tàu ngư dân và hải giám Trung Quốc thì đúng là chuyện dài tập.

Tuy nhiên, anh em xác định, đã làm nghề thì dẫu nguy hiểm bao nhiêu cũng phải ra khơi, một phần bám biển giữ ngư trường, quan trọng hơn là giữ chủ quyền. “Bây giờ phía Trung Quốc đang chiếm giữ Hoàng Sa, nhưng anh em ngư dân luôn tâm niệm, có những cái nhất thời, còn chứng lý chủ quyền của Việt Nam là không thể chối cãi.

Họ (Trung Quốc) ngang nhiên đe dọa, bắt phạt chủ yếu để ngư dân ta chùn bước. Nhưng lần nói chuyện với nhau, tôi cũng hay khích lệ anh em, nếu bây giờ vì sợ hãi, ta rời ngư trường, bỏ biển là mắc bẫy họ” – anh Chiến quả quyết.

Trung tá Võ Tín - Đồn trưởng Đồn BP 248 (Thanh Khê), việc thường xuyên tuyên truyền, khích lệ động viên tinh thần cho ngư dân luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Sợi dây giữa ngư dân với đồn luôn được kết nối 24/24h.

Nhờ vậy, tất cả mọi thông tin ở biển, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa đều được anh em nắm kỹ.

Thời gian qua, đúng như thông tin trên các phương tiện truyền thông, tình hình Hoàng Sa trở nên phức tạp, trong đó, theo cấp báo của ngư dân qua ICOM, phía Trung Quốc thường xuyên cho tàu hải giám, ngư chính đi tuần tra.

Đặc biệt có cả máy bay đi kèm, có khi lên đến 8 chiếc máy bay cùng rà sát rạt, đe dọa ngư dân Việt Nam. Còn tàu ngư dân nước họ thường xâm phạm lãnh hai nước ta.

Chơi bài ép giá

Dưới biển tàu hải giám hăm dọa, tàu ngư dân thách thức, xâm phạm vùng biển, còn trên bờ, nhiều thương lái cũng không phải quang minh chính đại khi thường xuyên chơi bài ép giá, lật kèo khiến ngư dân lao đao.

Anh Hồ Văn Trường cùng hàng chục chủ tàu câu mực ở Đà Nẵng, Quảng Nam là minh chứng. Tàu câu mực ĐNA 90051 của anh Trường mới cập bến, bán hết 7 tấn mực giờ đang neo ở sông Hàn cùng một số tàu khác. Anh Trường cho hay, khả năng sẽ neo đậu hết năm nay rồi mới tính tiếp.

“Đi câu mực, riêng tổn phí hơn 300 triệu. Năm ngoái giá mực cao, hơn 100 ngàn/kg, giờ đây chỉ còn 50 - 60 ngàn/kg. Lỗ sặc máu”. Năm ngoái anh Trường chuyển từ lưới cản sang câu mực, phía đóng giàn câu, mua thúng... tốn hơn 500 triệu, giờ đây lại bắt đầu nghĩ đến trở lại... lưới cản.

Anh Huỳnh Tấn Thư (ĐNA 90412 - Liên Chiểu) năm ngoái mới bỏ hơn 1 tỷ mua tàu câu mực từ Vũng Tàu, đi được mấy chuyến giờ cũng nằm bẹp ở âu thuyền vì giá mực rớt. “Cứ đà này, lại bán tàu thôi” - anh Thư than thở.

Anh Trường cho hay, giá mực xuống thê thảm là do phía Trung Quốc ép. Cả Đà Nẵng và Quảng Nam chỉ có một đầu mối thu mua mực xà, bán cho Trung Quốc.

Thời gian gần đây, khi ngư dân chuyển nhiều sang câu mực, họ bắt đầu hạn chế nhập. Mực từ 100 ngàn/kg xuống 60 ngàn/kg. Ai nấy méo mặt, bán không được thì cũng vứt.

BĐBP cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho hay, từ những năm 2009 đến nay, nhiều thương lái Trung Quốc núp bóng khách du lịch đi thu mua nông, hải sản hoặc vỏ tàu cũ. Cá biệt còn có những vị khách du lịch thường đến âu tàu, các khu vực quân sự… ngó nghiêng.

Khi người của ta tới, người này giả điên, giả câm, điếc. Không nghe không nói, trên người không giấy tờ tùy thân… Theo nhận định của biên phòng, rất có thể qua số lượng vỏ tàu cũ, phía Trung Quốc nắm kỹ tình hình hoạt động của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là miền Trung.

Hội Nghề cá phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền

Hà Nội  - Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản bày tỏ bất bình trước những hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đặc biệt trong những ngày gần đây: “có thể nói những hành động của phía Trung Quốc ngày càng ngang ngược, phi lý, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam với tần suất ngày càng tăng”.

“Sức mạnh là của cả một dân tộc đoàn kết lại, Hội Nghề cá Việt Nam đồng tình và ủng hộ với định hướng ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta thông qua đàm phán để giải quyết sự việc nhằm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng để phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững chủ quyền biển đảo”, văn bản nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG