Các công trình thủy điện cần minh bạch thông tin hơn

Công trình thủy điện phải đảm bảo dòng chảy sinh thái của sông Ảnh: Hồng Vĩnh
Công trình thủy điện phải đảm bảo dòng chảy sinh thái của sông Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng 28-7, tại Ninh Thuận, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội kết hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tham vấn lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

> Còn độc quyền, giá điện chỉ có tăng

GS.TS Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, cần phải bổ sung điều 54, Chương VII ở mục 1 đề cập đến an toàn thủy điện.

Theo ông Hưng, trong điều khoản này nên có quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ đập, cần minh bạch thông tin, cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố về đập. Có như thế thì các nhà khoa học mới có thể tư vấn phương pháp xử lý và các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận một cách hợp lý, tránh tình trạng như trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua.

Ông Hưng còn cho rằng, cần có điều khoản bổ sung để cộng đồng người dân tham gia vào việc xây dựng các nhà máy thủy điện, ví dụ như có thể để họ tham gia đóng góp cổ phần, tham gia trồng rừng.

Và quan trọng nhất là các công trình thủy điện phải làm thế nào để những dòng sông phải là những dòng sông sống, tránh trường hợp như thủy điện Đak Mi 4, khiến cho dòng sông Vu Gia kiệt nước.

Mặc dù công trình thủy điện An Khê - Kanak sử dụng nước của dòng sông Ba, nhưng lại trả nước về sông Côn, khiến cho hạ lưu sông Ba bị cạn kiệt.

Trong khi đó, đến mùa mưa thì nhà máy thủy điện An Khê - Kanak lại xả lũ về sông Ba khiến cho hạ lưu sông Ba phải gánh chịu hậu quả. Ông Hưng cho rằng, các nhà máy thủy điện phải đảm bảo dòng chảy sinh thái trên các dòng sông mà mình sử dụng nước.

Bên cạnh đó, để có thể hình thành một thị trường điện cạnh tranh thì phải phá vỡ thế độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Đó là ý kiến của luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Duệ (Hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng, EVN hiện nay vẫn là tổ chức độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, phá vỡ thế độc quyền trong hoạt động điện lực của EVN, phát triển một thị trường lành mạnh là xu thế tất yếu của thế giới cũng như của Việt Nam.

Theo ông Duệ, cần rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường điện lực Việt Nam từ 3 cấp độ (theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-01-2006 của Thủ tướng Chính phủ) xuống còn 2 cấp độ, chuyển hẳn từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thẳng thị trường bán lẻ cạnh tranh, bỏ qua thị trường bán buôn cạnh tranh.

Theo ông Duệ, việc phát điện cạnh tranh đã là một hình thức bán buôn cạnh tranh, không cần phải có một cấp độ thị trường bán buôn cạnh tranh kéo dài đến 8 năm (2014-2022).

Tính từ năm 1992 đến nay, giá điện tăng trên 10 lần, giá điện bình quân hiện nay ở Việt Nam là 1.506 đồng/kwh (tương đương 7,2 cent/kwh). Và đó không phải là giá thấp nếu so với tình hình kinh tế của đất nước và thu nhập của người dân, ông Duệ nói.

Ủy ban KHCNMT của Quốc hội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến để trình Quốc hội xem xét trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG