Ngư dân khó từ bờ ra biển

Ngư dân khó từ bờ ra biển
TP - Ngư dân ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn khi trong bờ, hậu cần nghề cá quá yếu, ra khơi thì đơn độc không đổi mới được phương tiện đánh bắt.
Chuẩn bị lưới cho chuyến biển xa bờ ở cảng Sông Đốc. Ảnh: Tiến Hưng
Chuẩn bị lưới cho chuyến biển xa bờ ở cảng Sông Đốc. Ảnh: Tiến Hưng.

Tàu nhiều, cảng nhỏ

Trưởng ban quản lý Cảng cá Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) Phạm Văn Minh cho biết: “Cảng có diện tích 1,4 ha, chỉ cho phép 6 tàu cập cảng cùng lúc. Trong khi đó, lượng tàu khai thác biển ra vào cửa biển Gành Hào hơn 600 chiếc, còn tàu đánh bắt vùng ven biển Bạc Liêu có nhu cầu vào Cảng cá Gành Hào đến 1.200 chiếc”.

Cảng không đáp ứng được nên tàu đánh cá về phải tìm chỗ “gặp đâu đậu đó”, bán hải sản rất khó khăn và các dịch vụ hậu cần nghề cá hầu như không có gì, lạc hậu như trăm năm trước.

Ông Liên Văn Lợi, chủ DNTN Đức Lợi, ở Cảng cá Gành Hào cho biết thêm: “Cầu, đường từ Cảng cá Gành Hào ra quốc lộ 1A tại Giá Rai (Bạc Liêu) chỉ cho phép trọng tải xe 5 tấn lưu thông.

Nếu chở đúng trọng tải qui định thì mỗi xe chỉ chở hơn 1 tấn hàng hóa vì trọng tải xe đã hơn 3,5 tấn rồi, chở ít không có lời, chở quá tải quy định thì lo cảnh sát và thanh tra giao thông.

Tỉnh Cà Mau có đoàn tàu khai thác biển hơn 3.000 chiếc, trong đó hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ. Riêng thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời), gần 1.200 chiếc tàu khai thác biển thì 60% tàu khai thác xa bờ.

Nhưng Cảng cá Sông Đốc, cảng cá duy nhất ở Cà Mau, quá nhỏ bé, với một cầu cảng dài 100m, chỉ cho phép một lần 4 tàu cập cảng.

Ông Nguyễn Văn Tý, một ngư dân thuê mặt bằng tại Cảng để sửa chữa cơ khí, nói do mặt bằng chật hẹp quá, không mở mang làm ăn được.

Khó chồng khó

Giá cá tại cửa biển Sông Đốc và cửa biển Gành Hào liên tục giảm trong thời gian gần đây. Chủ vựa cá Quốc Đạt ở thị trấn Sông Đốc cho biết, giá loại cá chế biến chả xuất khẩu còn 11.000 đ/kg (giảm 2.000-3.000 đ/kg), mực khô còn 310.000 đ/kg (giảm 40.000 đ/kg), cá thu có giá 80.000 đ/kg (giảm 10.000 đ/kg).

Giá hạ trong lúc cơ sở hậu cần nghề cá yếu kém làm cho giá thành hải sản cao, dẫn đến ngư dân bị lỗ. Ông Nguyễn Tấn Biểu ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, có 17 chiếc tàu hành nghề lưới đèn, câu mực, trông đèn, nói: “Tiền bán tôm cá không đủ chi phí. Chỉ riêng 3 chiếc tàu hành nghề lưới đèn lỗ gần 1,5 tỷ đồng trong 3 chuyến biển gần đây”.

Chủ DNTN Đức Thành, ông Đặng Thành ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, kinh doanh xăng dầu, sửa chữa cơ khí và 4 chiếc tàu khai thác biển, nhận định: “Khoảng 50-60% tàu đánh bắt ở thị trấn Sông Đốc lỗ vốn, do sản lượng khai thác ít và giá sản phẩm giảm”.

Ông Liên Văn Lợi ở cửa biển Gành Hào kể : “Tôi có 4 chiếc tàu lớn, mua cá vùng biển Tây - Nam, không có hàng nên phải đưa 2 chiếc sang biển Đông tìm mua cá. Ba tháng gần đây, nghề khai thác biển thất mùa, giá cá giảm nên khó chồng khó”.

Mới đây, hai anh em ông Huỳnh Thanh Bình và Huỳnh Thanh Hưng ở cửa Sông Đốc đưa 6 chiếc tàu ra khai thác vùng biển Trường Sa. Sau chuyến biển gần một tháng, ông Bình cho biết thu gần 1 tỷ đồng nhưng chi phí hơn 700 triệu đồng, nên lời mỏng.

“Ngư dân miền Trung câu cá ngừ đại dương quá đơn giản, nếu dùng lưới đánh bắt sẽ khai thác được nhiều hơn. Tôi liên hệ với ngân hàng vay vốn mua giàn lưới mới, khoảng 800 triệu đồng, để đánh cá ngừ đại dương nhưng chưa được trả lời”- ông Bình nói.

Ông Hưng cũng khát khao ra biển Đông khai thác dù chuyến biển vừa qua đánh bắt ở Trường Sa, ông thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Theo ông Hưng là do ngư phủ chưa có kinh nghiệm, ngư cụ chưa phù hợp, nhưng cái khó là chưa biết hỏi cơ quan nào để trợ giúp.

Ông Hưng nói: “Cần trang bị kỹ thuật đánh bắt, ngư cụ để ngư dân khai thác vùng biển Đông có hiệu quả. Nếu được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, ngư cụ thì đoàn tàu ngư dân Cà Mau ra khai thác vùng biển Đông sẽ không chỉ có anh em tôi, mà còn đông hơn”.

Hải sản đổ đống trên bến cảng

Cảng cá Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng, gần ngư trường biển Đông nhất trong vùng ĐBSCL. Từ đây tàu chạy khoảng hai giờ đã tới khơi xa để đánh bắt cá lớn. Giám đốc Trần Văn Chiêu cho biết, cảng rộng gần 16 ha, có các cơ sở phục vụ hơn 1.100 tàu đánh cá, trong đó 249 tàu đánh bắt xa bờ.

Tuy nhiên, tàu khai thác biển cập cảng Trần Đề, hải sản đưa lên khỏi tàu thường được đổ đống trên nền bê tông của bến cảng. Sau đó, nhiều phụ nữ ngồi lựa cá tôm ra, theo loại hải sản và theo chất lượng, còn nguyên hoặc đã bị gãy nát. Cách bảo quản trên tàu bằng túi ni lông ướp đá, lên bờ đổ đống đã làm hải sản bị tổn thất rất lớn.

Quan sát của PV Tiền Phong, một tỷ lệ hải sản không nhỏ rời cảng bằng xe ba gác và xe tải nhỏ chở đến các cơ sở ủ mắm hoặc làm phân bón.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mỗi năm nước ta khai thác biển được 2 triệu tấn và tổn thất sau khai thác khoảng 20%. Con số tổn thất “khủng” cả về tỷ lệ lẫn giá trị, và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hải sản giá cao, khó bán, nghề khai thác biển chưa giàu.

Bộ NN-PTNT đang đặt mục tiêu, đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất hải sản sau thu hoạch xuống dưới 10%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.