'Bẫy' nghèo do viện phí tăng

'Bẫy' nghèo do viện phí tăng
TP - Viện phí tăng khiến chi phí khám chữa bệnh tăng, tạo nên bẫy nghèo do khám chữa bệnh… là một trong những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo Đại biểu dân cư với Luật Bảo hiểm Y tế, viện phí và Luật Khám, chữa bệnh, tổ chức ngày 28- 8 tại Hà Nội.

> Hệ thống y tế đang rối nhiễu

Nguy cơ lạm dụng kỹ thuật tăng cao

Sau một thời gian áp dụng mức viện phí mới, Bộ Y tế thành lập tổ thẩm định giá với 17 thành viên thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính.

Đã có 6 BV được Bộ Y tế phê duyệt thẩm định giá với mức giá trung bình bằng khoảng 93- 97% mức tối đa của khung giá. Với các BV còn lại, sẽ hoàn thành phê duyệt chậm nhất trong tháng 9.

Sau 3-6 tháng thực hiện thu mức viện phí mới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc kiểm tra tại các BV T.Ư, chỉ đạo Sở Y tế và BHXH các tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện tại một số BV.

Trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có điểm nào bất hợp lý sẽ kiến nghị với Bộ Y tế, HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. BV nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá mới được duyệt sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, BS.TS Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng, với sự ổn định giữa các tuyến của hệ thống khám chữa bệnh công, chính sách viện phí mới ít tác động tích cực lên tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Nguyên nhân là ở tuyến này ít thực hiện kỹ thuật, chỉ trông chờ vào khám bệnh và giường bệnh vốn rất ít. Việc tăng giá này tác động mạnh đến việc thực hiện hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật; dẫn đến tăng mua thuốc, vật tư sử dụng; kéo theo tăng tiêu thụ cho các hãng cung cấp thuốc, vật tư, làm tăng chi trả từ BHYT và túi tiền của người dân. Hệ lụy là chi phí khám chữa bệnh tăng, tạo nên bẫy nghèo do khám chữa bệnh.

Ngoài ra, nếu không điều chỉnh giữa các loại hình BV thì việc tăng thu từ khám bệnh, ngày giường bệnh sẽ tạo nên chênh lệch thu nhập giữa các BV trên cùng địa bàn, tạo động lực cho sự di chuyển nguồn cán bộ lên các BV lớn, tránh xuống các BV nhỏ, tạo nên mất cân đối nguồn lực trong hệ thống y tế công.

Chính sách viện phí mới cũng tạo ra áp lực cho tuyến dưới trong sử dụng kỹ thuật y học để thu hút người dân khiến nguồn ngân sách nhà nước phải chi thêm cho y tế, kèm theo xã hội hóa đầu tư vào cơ sở dịch vụ công. Điều này dẫn tới mô hình công-tư lẫn lộn và nguy cơ lạm dụng kỹ thuật tăng…

Thiếu chính sách cho trẻ nhỏ, phụ nữ nghỉ thai sản

Ông Trần Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, nhiều nước giàu hiện nay cũng không dám đưa vào danh mục chi trả BHYT các loại thuốc, dịch vụ đắt tiền như Việt Nam.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, BHYT đang trả từ chi phí thấp nhất đến cao nhất. Với thuốc, BHYT kê từ viên paracetamol giá 500 đồng đến thuốc ung thư 40 triệu đồng.

Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người mắc viêm gan C. Trong đó, khoảng 300.000 người cần điều trị bằng interferon. Theo phác đồ điều trị 42 tuần của BV Nhiệt đới TP HCM, BHYT sẽ phải trả 172- 300 triệu đồng chi phí tiền thuốc cho một bệnh nhân viêm gan C.

Nếu tính cả BV Nhiệt đới tại Hà Nội thì BHYT sẽ phải trả 90.000 tỷ đồng cho 2 bệnh viện này, trong khi thu từ BHYT năm 2011 chỉ đạt 80.000 tỷ đồng.

Rà soát lại tình hình thực hiện BHYT thời gian qua, ông Tiến cho rằng, vẫn còn bất cập cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Tới nay vẫn thiếu cơ chế chính sách cho một số nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ dưới 6 tuổi và phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản.

Với trẻ 6 tuổi, BHXH đang áp dụng giải pháp tình thế là theo chính sách bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo tính liên tục và lâu dài.

Cháu nào không may mắc nan y cần hưởng chế độ đặc thù hoặc dịch vụ cao thì BHXH nhiều khả năng không thể chi trả. Với phụ nữ nghỉ thai sản, hiện chưa có đơn vị nào tổ chức đóng bảo hiểm cho họ trong thời gian đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG