Mốc vàng son trong lịch sử dân tộc

Mốc vàng son trong lịch sử dân tộc
TP - Nhà báo Phạm Quang sinh ngày 28-2-1928, trong thời kháng chiến là Phó Ban Tuyên huấn Tây Nam bộ từ năm 1975 đến 1980 là Phó ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, 1980-1987 làm Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, từ năm 1987, ông về Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng TPHCM trực tiếp tổ chức bản thảo và biên tập nhiều công trình như Nam Bộ kháng chiến, Tây Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Đảng TPHCM… Tiền Phong có cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Quang.

> Tân Trào là địa danh thiêng liêng gắn bó lịch sử dân tộc

Ông đánh giá như thế nào về tình hình của “đêm trước cách mạng”?

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 bị thất bại, Pháp kéo quân đi khắp nơi đàn áp phong trào cách mạng. Chúng bắt và tử hình khoảng 300 cán bộ và quần chúng của ta.

Nhiều nơi chỉ còn vài ba Đảng viên. Các cơ sở đều phải gây dựng trở lại. Đến năm 1943, tình hình có sự thay đổi lớn… Ở Miền Nam, lực lượng quân Nhật rất lớn.

Để phục vụ chiến tranh, quân Nhật thực hiện chính sách vơ vét lương thực và nguyên liệu. Nhật dùng thóc để chạy nhà máy phát điện càng gây ra nạn thiếu đói. Đời sống nhân dân cực khổ. Phong trào yêu nước và tư tưởng mong muốn giành độc lập dâng cao.

Khi đó ông tham gia cách mạng thế nào?

Trước sức tấn công của Đồng Minh, quân Nhật ngày càng rơi vào thế bất lợi. Nhật rất sợ phải đối phó với sự nổi dậy của nhân dân ta. Bấy giờ chính quyền Nhật mời ông Phạm Ngọc Thạch là trí thức nổi tiếng lên bàn chuyện thành lập một tổ chức thu hút thanh niên.

Ông Phạm Ngọc Thạch về báo cáo với ông Trần Văn Giàu là Bí thư Xứ ủy, ông Giàu chủ trương nhân cơ hội đó phát triển lực lượng thanh niên của ta. Tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời và phát triển rất mạnh khắp Nam bộ. Dân số Sài Gòn lúc đó có 800.000 người mà có 120.000 đoàn viên của tổ chức Thanh niên Tiền Phong.

Tôi đang học trung học ở Cần Thơ thì bỏ học về quê Bạc Liêu làm đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Tiền phong của Quận Giá Rai với 300 đoàn viên. Không khí lúc ấy rất hồ hởi, chúng tôi tự trang bị giáo mác, ngày đêm tập luyện, sẵn sàng cho một cuộc cách mạng.

Nam Bộ đã tiếp nhận quân lệnh khởi nghĩa như thế nào?

Đoàn đại biểu do ông Hà Huy Giáp dẫn đầu đã ra dự Hội nghị Tân Trào. Tại Tân Trào, Bác Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.

Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra quân lệnh số 1 kêu gọi khởi nghĩa. Ngày 19-8, nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã khởi nghĩa giành chính quyền.

Ở miền Nam, sau khi quân Nhật đầu hàng đồng minh, chúng co cụm lại. Quân Nhật không có lương thực, thiếu đói, buồn bã hoang mang.

Thống sứ Nhật mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lên nói chuyện và òa khóc, nói: “Trong khi chờ quân đồng minh đến giải giáp, các ông hãy cung cấp lương thực cho chúng tôi!”.

Ông Phạm Ngọc Thạch nói: “Chúng tôi đồng ý sẽ cung cấp lương thực nhưng yêu cầu các ông không được ra khỏi doanh trại. Người Việt Nam sẽ tự quyết định vận mệnh của mình”.

Ngày 16-8, tại Hội nghị chợ Đệm, ông Trần Văn Giàu đã chủ trương khởi nghĩa sớm, bởi quân đồng minh đã nhảy dù xuống Tây Ninh rồi. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng mình là địa phương, phải chờ trung ương khởi nghĩa trước. Hơn nữa quân Nhật ở miền Nam rất đông.

Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thành công vào ngày 19-8, các xứ ủy ở Nam Kỳ thống nhất khởi nghĩa, nhưng quyết định sẽ làm khởi nghĩa thí điểm ở Tân An (Long An ngày nay) và ở Bạc Liêu (bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay) để thử phản ứng của quân Nhật.

Ngày 22-8, khởi nghĩa thành công ở Tân An, ngày 23-8 khởi nghĩa thành công ở Bạc Liêu, từ đó chúng ta tiến hành khởi nghĩa trên toàn Nam Bộ. Đêm 24 sáng ngày 25-8, khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi ở Sài Gòn.

Ông đã tham gia cướp chính quyền ở Bạc Liêu như thế nào?

Bạc Liêu là tỉnh cực Nam của đất nước nên việc giành chính quyền thành công sẽ là nguồn cổ vũ rất quan trọng. Hôm đó nhân dân diễu hành khắp nơi rồi tiến về dinh tỉnh trưởng.

Đoàn đại biểu của mặt trận do ông Tào Tị dẫn đầu vào gặp tỉnh trưởng. Chúng tôi là lực lượng thanh niên thì đứng ngoài sân dinh, hô vang các khẩu hiệu. Ban đầu tỉnh trưởng không chịu bàn giao, nhưng sau một giờ thuyết phục, lại gặp sức ép dâng cao từ phía quần chúng, ông ta đã cúi đầu chấp nhận đầu hàng.

Chúng ta tiến hành thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời Bạc Liêu. Tôi được cử làm Trưởng thông tin tuyên truyền quận Giá Rai.

Cảm nhận của ông trong ngày tết độc lập đầu tiên như thế nào, thưa ông?

Cả Nam bộ đều háo hức chờ đến ngày 2-9. Hôm ấy, nhân dân Sài Gòn và các tỉnh đều tổ chức mít tinh rộng rãi, đứng chờ đài phát thanh tiếp sóng lời Tuyên ngôn độc lập.

Nhưng do đài của Pháp quá cũ, bị hỏng, nên nhiều nơi không tiếp được sóng. Bạc Liêu cũng không tiếp được sóng. Tuy vậy, không khí của nhân dân vẫn vô cùng vui vẻ và náo nức.

Bấy giờ thông tin cho biết, Hồ Chí Minh là người đã đọc Tuyên ngôn độc lập. Ông Trần Văn Giàu và anh em trong này đều băn khoăn: “Tại sao Nguyễn Ái Quốc không đọc mà lại để ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn? Ông Hồ Chí Minh là ai vậy?”. Đến khi biết được Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, ông Giàu và mọi người ôm nhau mừng rỡ.

Ngày 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập là mốc vàng son trong lịch sử dân tộc, đã mở ra thời đại mới là Thời đại Hồ Chí Minh: Dân ta làm chủ nước ta, chính quyền thuộc về nhân dân.

Ông có thể nói đôi chút về gia đình của mình?

Vợ chồng tôi cùng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bạc Liêu, nhưng khi đó chưa biết nhau. Sau này vào chiến khu mới quen nhau và lập gia đình. Chúng tôi sinh được 5 người con.

Người con cả là Phạm Vũ, hy sinh ở Sóc Trăng năm 1969. Con gái kế là Phạm Phương Thảo nhiều năm làm công tác Đoàn, từ năm 2005 đến năm 2011 cháu là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM. Các cháu khác cũng làm công chức.

Xin cám ơn ông.

Nguyên Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.