Chủ tịch Hà Nội: 'Đã kiềm chế được tăng xe cá nhân'

Chủ tịch Hà Nội: 'Đã kiềm chế được tăng xe cá nhân'
Tám tháng qua, lượng xe mới đăng ký tại thủ đô giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị tăng số lượng và giảm giá thành xe đạp điện để người dân thay thế xe máy.

> Hà Nội, TPHCM phải từng bước hạn chế xe máy

Hà Nội đang phấn đấu giảm 20% số vụ tai nạn. Ảnh: Đoàn Loan (VnExpress)
Hà Nội đang phấn đấu giảm 20% số vụ tai nạn. Ảnh: Đoàn Loan (VnExpress).

Chiều 31 - 8, tại cuộc họp an toàn giao thông, Đại tá Trần Thùy, Phó giám đốc công an Hà Nội cho biết, tám tháng qua, có hơn 123.100 phương tiện đăng ký mới, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 12.300 ôtô (giảm 67%) và 101.800 xe máy (giảm 47%).

Cùng với lượng xe đăng ký mới giảm mạnh, số người học lái ôtô, môtô cũng giảm rõ rệt. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, số người học lái xe tại các trung tâm và số lượng giấy phép lái xe được cấp giảm một nửa. Trước đây, thường 70% người học để sử dụng xe, 30% còn lại là học cho biết, song hiện nay hầu hết người có nhu cầu thực sự mới đi học.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, lượng xe đăng ký mới giảm mạnh là do điều kiện kinh tế hiện nay đang khó khăn. Mặt khác, thành phố áp dụng nhiều biện pháp như cấm trông giữ xe tại 268 tuyến phố, đã tác động đến người đi xe.

"Người không có chỗ đỗ thì không muốn mua xe nữa, còn người có xe thì cũng phải xếp xe ở nhà vì không có chỗ đỗ. Thành phố đã bước đầu kiềm chế được tăng xe cá nhân", ông Thảo nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch thành phố cũng cho rằng, lượng xe mới dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao, thêm hơn 100.000 xe cá nhân ra đường làm tăng áp lực cho giao thông đô thị.

Ông yêu cầu Sở Thương mại cho biện pháp tăng số lượng và giảm giá thành xe đạp điện để người dân thành phố từng bước thay thế xe máy bằng xe đạp điện, bởi phương tiện này không gây ô nhiễm môi trường, diện tích chiếm dụng ít mà tốc độ ngang bằng xe máy.

"Đi trên đường hiện nay, nhiều lúc ôtô, xe máy, xe đạp và người đi bộ có cùng tốc độ, nên lúc đó, xe đạp điện, đi bộ sẽ hiệu quả hơn", ông Thảo bày tỏ.

Tám tháng qua, tai nạn tại Hà Nội giảm 10%, với 439 vụ, làm 366 người chết và 210 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra là giảm 20% số vụ, số người chết và bị thương. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng có chuyển biến với 128 điểm ùn tắc trước kia đã giảm xuống còn 67 điểm.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, 70% các vụ tai nạn liên quan đến xe máy và phần lớn tập trung tại các huyện ngoại thành, trên các tuyến đường liên xã, liên huyện vào thời điểm 17 - 22h. Các huyện có số vụ tai nạn tăng là Hoàng Mai, Gia Lâm, Hà Đông, Ba Vì, Phúc Thọ.

"Thanh niên ngoại thành thường tụ tập càn quấy, phóng ẩu, đèo 3 - 4 người không đội mũ bảo hiểm vào buổi tối. Mấy ngày rằm vừa qua, thanh niên các xã gần Hòa Bình tụ tập phóng xe đối đầu với ôtô trên quốc lộ 6, cảnh sát giao thông phải giăng trên đường xử lý", ông Ngọc nói.

Vị trưởng phòng cũng cho hay, thành phố còn có 160 chợ, 75 trường học nằm trên các tuyến đường chính nên có nguy cơ gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Các địa phương phải có biện pháp giải tỏa, các trường học cần bố trí điểm đỗ xe để phụ huynh đón con.

Lãnh đạo các quận huyện cũng cho rằng, tai nạn giao thông xảy ra phần lớn do ý thức người tham gia giao thông. Ngoài ra, còn một số điểm đen như cầu Thăng Long; các tuyến đường quốc lộ 3, 5 đã xuống cấp, lưu lượng phương tiện lớn, xe quá tải chạy nhiều...

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp như khảo sát, khắc phục các điểm đen về tai nạn, tăng cường các tuyến đường một chiều... để quyết tâm giảm 20% số vụ tai nạn.

"Cảnh sát giao thông cần xử phạt lưu động trên đường, không chỉ tại các chốt cố định, vì người tham gia luôn tìm cách đối phó với cảnh sát tại các chốt cố định", ông Thảo nhắc nhở.

Theo Đoàn Loan
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG