Gần trăm hécta rừng tự nhiên bị tàn phá

Gần trăm hécta rừng tự nhiên bị tàn phá
TP - Tại xã Minh Cầm, Ba Chẽ (Quảng Ninh), người dân chặt, đốt rụi gần 100 ha rừng tự nhiên. Vụ việc được phát hiện từ đầu năm nhưng đến nay, công tác xử lý vẫn chưa xong.

> Phá rừng nguyên sinh để đốt than

Một gốc cây bị đốn hạ
Một gốc cây bị đốn hạ.

Nơi rừng bị phá cách trung tâm huyện Ba Chẽ hơn 45 km đường rừng. Một người dân ở đây cho biết, rừng bị phá thuộc vùng sâu, xa nhất huyện nằm cạnh rừng đầu nguồn. Rừng bị tàn phá từ đầu năm 2012. Đây hoàn toàn là rừng tự nhiên dù nghèo kiệt, nằm rất gần rừng
phòng hộ…

Đường vào nơi rừng bị phá chỉ cách trụ sở xã Minh Cầm không xa. Từ đường chính rẽ vào, đi theo hơn 1km đường đồi, vượt suối, băng rừng chúng tôi đã vào đến vị trí trung tâm rừng bị xâm hại.

Trước mắt chúng tôi là một vạt rừng lớn gồm nhiều quả đồi bị chặt phá, đốt cháy tan hoang. Tất cả các loại cây lớn nhỏ đều bị đốn hạ bằng nhiều dụng cụ như dao, cưa máy... Nhiều cây lấy gỗ có đường kính 30-40 cm bị cưa hạ nhưng đối tượng bỏ lại không thèm tận thu. Đi dọc qua mấy quả đồi có rừng đều bị đốt, chặt loang lổ.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Ba Chẽ, địa điểm rừng bị xâm hại đang được quy hoạch thành rừng sản xuất. Trong đó hiện trạng nứa tép, tre, cây lấy gỗ là 72,9 ha; rừng tự nhiên trạng thái IIa-IIIa1 là 18,9 ha.

Công an huyện Ba Chẽ ban đầu đã xác định được 36 đối tượng tham gia phát và phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Theo quy định, với số diện tích bị xâm hại trên đã đủ điều kiện để khởi tố vụ án. Nhưng do đây là vụ án phức tạp, diện tích xâm hại lớn, liên quan đến nhiều người nên mất nhiều thời gian để khám nghiệm hiện trường, thu thập thêm ca;c tài liệu khác, mời các ngành liên quan tham gia hoàn thiện hồ sơ ban đầu trước khi ra quyết định khởi tố vụ án…

Vụ chặt phá rừng tự nhiên tại Minh Cầm diễn ra từ tháng 1-2012 theo nhiều người dân, với diện tích gần trăm hécta bị chặt, đốt thì phải diễn ra hàng tháng trời.

Câu hỏi đặt ra, lẽ nào chính quyền xã không biết vì lối vào rừng là đoạn đường độc đạo đối diện ngay trụ sở UBND xã Minh Cầm, nếu tính theo đường chim bay thì trụ sở ủy ban xã chỉ cách khu vực rừng bị chặt phá khoảng 1 km.

Một người dân cho biết, thời điểm diễn ra vụ việc trên, các loại máy móc, phương tiện vận chuyển gỗ ra vào tấp nập. Hằng đêm, nhiều xe gỗ ra tận thị trấn Ba Chẽ.

Ông Lê Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ khẳng định nơi bị chặt phá là rừng tự nhiên và chưa giao cho đơn vị, cá nhân nào quản lý. Sắp tới sẽ họp để kiểm điểm cán bộ liên quan.

Ông Sơn cho biết cả huyện có hơn 8.000 hécta rừng phòng hộ, chỉ còn khoảng 2.000 ha rừng tự nhiên dạng nghèo kiệt đang phục hồi còn lại là rừng trồng.

Mới đây, trong cuộc họp giao ban thường kỳ của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo huyện Ba Chẽ phải sớm tập trung thực hiện các biện pháp nhằm ổn định tình hình, cuộc sống, sinh hoạt, tư tưởng, ANTT của bà con ở địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tăng cường đi cơ sở, nắm tình hình để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết ổn định ngay tại cơ sở; Ba Chẽ cũng cần phải rà soát lại quá trình quản lý rừng đã sát với thực tế chưa; nghiêm túc xem xét, nghiên cứu lại việc giao rừng, tổ chức sản xuất rừng và chủ động tìm hướng tiêu thụ sản phẩm lâm sản để bà con nhân dân trên địa bàn yên tâm đầu tư phát triển rừng, ổn định
cuộc sống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG