Từ sự cố đập Sông Tranh 2: Cần có ủy ban an toàn đập

Từ sự cố đập Sông Tranh 2: Cần có ủy ban an toàn đập
TP - Liên quan sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, cũng như những dư chấn động đất ở Bắc Trà My, TS Nguyễn Đức Liễn chuyên gia tư vấn quản lý thủy điện - thủy lợi cho rằng, đã có sự chủ quan khi các đơn vị quan trắc khảo sát rồi thiết kế dẫn đến việc đặt một công trình thủy điện lớn ngay trong vùng dư chấn.

> Tiếp tục có rung chấn ở Bắc Trà My

TS Liễn nói: “Tôi chưa được đọc hồ sơ thiết kế, chưa được trực tiếp khảo sát phỏng vấn các đơn vị liên quan, nhưng với kinh nghiệm 40 năm làm chuyên gia thủy điện cho các dự án ở lưu vực sông Mekong cá nhân tôi thấy khi khảo sát quan trắc, nghiên cứu tính khả thi công trình ở Bắc Trà My, có quá ít thông tin về động đất cũng như lịch sử động đất ở vùng đất này, vì thế họ đâm ra chủ quan.

Chưa kể, với đơn vị thiết kế, họ phải khoan thăm dò để quyết định kết cấu công trình, thế mà cũng không tiên lượng trước. Rồi đơn vị thi công, một lần nữa họ phải khoan, thăm dò lòng đất… Hoặc không biết do chủ quan, hoặc biết mà im lặng”.

Nhưng hiện tượng rung chấn động đất chỉ xảy ra sau khi làm đập ?

Hoàn toàn có thể biết trước, tức là đơn vị thiết kế phải biết kết cấu địa chất ở đây, rồi tính toán khi đập tích một lượng nước khổng lồ (khoảng 730 triệu khối) thì áp suất tác động khả năng sẽ gây ra động đất. Dù thế nào thì khả năng động đất cũng phải được tiên lượng trước để hoặc là bỏ đập, hoặc là xây dựng thế nào để trị.

Như ở Nhật Bản, công nghệ xây dựng của họ cho phép xây các công trình ngay trên vùng dư chấn động đất mà vẫn an toàn.

Tôi theo dõi hội thảo ngày 4-9 (cuộc họp của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội về xử lý thấm nước đập Sông Tranh 2 - PV), thấy đơn vị tư vấn Colanco (Thụy Sĩ) đề nghị EVN tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết vị quan trắc để theo dõi báo cáo hằng tuần. Đến giờ cái quan trắc chưa hoàn thiện thì thật vô lý, rồi báo cáo lại bí mật, không công khai.

Cần có ủy ban an toàn đập

Nhưng EVN thông báo đã xử lý được 90% lượng nước thấm?

Đó chỉ là phương pháp chữa bệnh tạm thời. Dẫu sao cũng hoan nghênh đã dứt điểm trước mùa mưa lũ. Ai dám chắc mùa sau sẽ không có sự cố. Vấn đề là cả một hệ thống hàng trăm đập lớn nhỏ thì phải cần thành lập ngay một Ủy ban an toàn đập.

Ủy ban phải có quyền hạn để kiểm tra bất kỳ đập nào ngay từ khâu khảo sát tiền khả thi mà không gặp cản trở. Đồng thời có những chuyên gia độc lập, giỏi về chuyên môn, tập trung nhiều lĩnh vực, từ địa chất, thi công, thủy lợi, môi trường...

Nếu có bệnh, họ sẽ phát hiện ngay từ khi khảo sát hoặc thiết kế. Ủy ban này phải do liên bộ quản lý, có nghĩa nằm dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì mới hiệu quả.

Như Sông Tranh 2, nếu giám sát thi công tốt, đã không có chuyện rò rỉ nước ào ạt. Cần có ai đó để chịu trách nhiệm cho những chuyện xảy ra.

Cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Đức Liễn là tiến sĩ chuyên ngành về thủy lợi - thủy điện. Từ năm 1971-2000 ông làm việc tại Ủy hội quốc tế lưu vực sông Mekong có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia).

Từ năm 2000 đến nay làm tư vấn thủy điện - thủy lợi cho một số dự án đang triển khai tại Lào và Thái Lan.

Nam Cường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG