Tên mới, chiêu kiếm tiền cũ

Tên mới, chiêu kiếm tiền cũ
TP - Thời gian qua, cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành kiểm tra lần nào cũng phát hiện sai phạm ở các phòng khám tư có yếu tố nước ngoài. Báo chí phanh phui sai phạm thì họ ra chiêu mới, thay tên phòng khám.

> Đề nghị tăng mức phạt sai phạm trong khám chữa bệnh tư nhân

Phòng khám Việt Hải đã từng thay tên đổi họ sau những vụ lùm xùm về chất lượng khám chữa bệnh
Phòng khám Việt Hải đã từng thay tên đổi họ sau những vụ lùm xùm về chất lượng khám chữa bệnh.

Bà Đặng Thị Hoà, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Phòng khám Việt Hải (số 709 đường Giải Phóng, Hà Nội) từng có tên Trường Giang.

Nơi đây nhiều lần bị thanh tra Sở Y tế xử phạt vì bác sĩ người Trung Quốc hoạt động không có giấy phép, bán thuốc với giá quá cao, không niêm yết giá dịch vụ.

Mang tiếng quá nhiều, phòng khám này đã đổi tên thành Việt Hải. Thế nhưng, năm ngoái, Việt Hải lại liên tục mắc sai phạm như bác sĩ không có hồ sơ theo dõi từng bệnh nhân đến khám, thuốc không có nhãn mác mà được bóc thành từng viên phân phát cho bệnh nhân, giá thuốc quá đắt, không lưu phiếu theo dõi truyền dịch; bác sĩ không cho bệnh nhân biết tên thuốc...

Suốt một thời gian dài Phòng khám đông y Việt Y Đường (604 đường Trường Chinh) cũng quảng cáo rầm rộ để hút bệnh nhân. Khởi thủy là Phòng khám Đông y Y học Bắc Kinh. Chiêu chữa bệnh nan y được quảng cáo rầm rộ.

Bị cơ quan chức năng phanh phui, khách hàng giảm sút, phòng khám này đã đổi thành “Phòng khám Đông y Việt Y Đường”.

Đổi rồi, vẫn để xảy ra sai phạm, hết việc bác sỹ bốc thuốc không có đơn, không bao bì lại đến bác sĩ thiếu giấy hành nghề trong khi giá khám, chữa bệnh, thuốc vẫn trên trời.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, nhiều phòng khám ở cùng một địa chỉ đã được làm mới bằng cách đổi tên.

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội không thể xử phạt những trường hợp thay tên đổi họ vì các phòng khám ấy “hoạt động đúng luật”.

Cụ thể, các phòng khám sai phạm chỉ có thể phạt hành chính theo Nghị định Số 45/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Các phòng khám vi phạm có thể bị phạt tiền, tước giấy phép hoạt động. Sau hai năm, nếu muốn mở lại, phòng khám chỉ việc xin phép làm thủ tục từ đầu.

“Dựa vào Luật Doanh nghiệp, Luật Dược và Luật Khám bệnh Chữa bệnh, các phòng khám nộp đủ hồ sơ thì Sở Y tế phải cấp phép”, ông Cường nói.

Nhiều lỗ hổng quản lý

Thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện cả nước có 40 thầy thuốc người Trung Quốc đang hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh ở 16 tỉnh, thành. Riêng TP Hồ Chí Minh có 11 người; Hà Nội có bảy người; Hải Phòng và Cần Thơ, mỗi nơi có bốn người.

Kiểm tra tại 22 tỉnh, thành, đã có bảy cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; phạt hơn 400 triệu đồng; và chuyển năm trường hợp cho công an.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do thiếu nhân lực tham gia quản lý hành nghề khám chữa bệnh tư nhân.

Hiện cả nước chỉ có hơn 200 thanh tra viên y tế, việc thanh kiểm tra chưa được sâu sát, xử lý vi phạm vẫn còn nương nhẹ.

Mặt khác cơ quan cấp phép Việt Nam không biết được chương trình đào tạo của người nước ngoài hành nghề, chưa biết được chất lượng của các cơ sở đào tạo nước ngoài, đặc biệt là một số trường đào tạo y khoa tại Trung Quốc. Vì thế, khi cấp chứng chỉ hành nghề còn lúng túng.

Rồi một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, nhất là xử phạt người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật khi có người hành nghề trái phép chưa rõ ràng.

Hậu quả là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh để mặc chủ đầu tư thuê người nước ngoài vào cơ sở hành nghề theo ý của chủ đầu tư.

Chủ đầu tư và bác sỹ được thuê làm gì, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật gần như vô can.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG