Chín triệu đồng chưa phải là cao

Chín triệu đồng chưa phải là cao
TP - Thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi hôm qua (12-9), nhiều ý kiến tại UBTVQH thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ: Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuê từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.

> Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến tại UBTVQH cũng cho rằng, mức thu nhập 9 triệu đồng/người chưa phải là cao trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Theo phương án của Chính phủ, một người (độc thân) có thu nhập từ trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế. Báo cáo tại UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ 2009 kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế.

Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí/GDP cũng như chia sẻ với người dân, Chính phủ trình UBTVQH, QH cho điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, bổ sung quy định “mở” để khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc.

Dự kiến khi Luật có hiệu lực từ 01-7-2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng, giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có 6/8 ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự Luật) không đồng tình đề xuất này. Các ý kiến cho rằng, nâng mức GTGC lên mức 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng là cao, bất hợp lý xét cả dưới góc độ kinh tế cũng như xã hội, làm sai lệch bản chất của thuế TNCN.

Thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao, sẽ thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN. “Hiện cả nước chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (4,4% dân số). Nếu sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC lên 9 triệu và 3,6 triệu thì 100% người nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế; 72% người nộp thuế ở bậc 2 sẽ được chuyển xuống nộp thuế ở bậc 1; số lượng người nộp thuế còn lại khoảng 1 triệu người, chiếm tỷ lệ quá ít so với số người có thu nhập. Tương tự, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn” – Ông Phùng Quốc Hiển Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách lo ngại.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị hạ mức GTGC đối với người nộp thuế từ 9 triệu xuống 7 triệu, hạ mức giảm cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.

Có thương dân không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Mức 9 triệu đồng chưa phải là cao". Ảnh: TTXVN.
 

Đồng tình với quan điểm công dân phải có trách nhiệm nộp thuế nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần tính toán mức thu nhập 7 triệu hay 9 triệu đồng đã đủ sống chưa.

“Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra mức 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ sống thôi” - Chủ tịch QH nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cơ quan thẩm tra tính toán thêm, làm rõ vì sao đề nghị hạ mức GTGC xuống thấp hơn tờ trình.

Từ khi Luật Thuế TNCN ra đời (năm 2007) lạm phát tăng cao, có năm 18-20% (chỉ trừ năm 2012 có thể dưới 10%), khiến thu nhập thực tế của người dân giảm sút.

Lạm phát cao như vậy, dù lương có tăng thu nhập thật vẫn giảm. Ngoài ra, khi chưa công bố được mức sống tối thiểu thì căn cứ để quy định mức chịu thuế TNCN sẽ khó khả thi.

Giá các loại dịch vụ, viện phí đều tăng cao, phải tính đến những yếu tố này chứ “không chỉ ngồi tính mức thu nhập để trừ thuế”.

“Chính phủ thương dân, mình đại diện cho dân mình có thương dân không? Tại sao mình không đề nghị nâng lên mà lại đòi hạ xuống? Nếu có đưa ra QH thì QH sẽ ủng hộ Chính phủ thôi” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu.

 Chính phủ thương dân, mình đại diện cho dân mình có thương dân không? Tại sao mình không đề nghị nâng lên mà lại đòi hạ xuống? Nếu có đưa ra QH thì QH sẽ ủng hộ Chính phủ thôi”  

Ông thẳng thắn: “Tôi nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và không đồng với tình ý kiến thẩm tra. Chính phủ đưa ra là 9 triệu nhưng Ủy ban TCNS lại rút xuống 7 triệu, thử hỏi ngay cả Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách hỏi bạn bè, người thân xem có ai ủng hộ không?” – ông Sơn nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, không nên đặt vấn đề cứ có thu nhập là phải chịu thuế, phải tính toán thu nhập ở mức nào mới phải nộp thuế và ông nghiêng về phương án của Chính phủ.

“Không nên lo đến thu ngân sách bị ảnh hưởng bao nhiêu, bởi nếu tiết kiệm chi tiêu, phòng chống tham nhũng tốt thì không chỉ 13.000 tỷ đồng mà cả trăm nghìn tỷ cũng thu được” – ông Hiện nói.

Một số ý kiến tại UBTVQH cho rằng, cần tính đến cả số người phụ thuộc được giảm trừ, càng nuôi nhiều người càng được giảm trừ nhiều, không lẽ nuôi hai con thì không nuôi bố mẹ, nuôi bố mẹ thì không nuôi con!

Về phần mình, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển lý giải thêm, thu nhập cao hay thấp cần phải so sánh với mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng. Bởi đây chính là mức thu nhập tối thiểu đảm bảo có điều kiện sống và mức giảm trừ Thường trực Ủy ban TCNS đưa ra đã trên 6 lần mức này.

Ông dẫn chứng, lương cán bộ bậc đại học của VPQH hệ số 2,34 mỗi tháng cũng chỉ có 2,7-2,8 triệu đồng, kể cả phụ cấp vẫn thấp hơn nhiều so với mức Chính phủ đề xuất.

“Tôi đồng tình nâng mức GTGC lên, nhưng nâng lên như mức Chính phủ thì sợ nhanh quá. Chúng ta sẽ phải bỏ ra khoảng 10.000 tỷ để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết” - Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển băn khoăn.

Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần nâng tính thuyết phục về cơ sở mức GTGC khi trình dự án Luật ra QH cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Mức giảm trừ gia cảnh còn thấp

Giải đáp một số ý kiện tại UBTVQH về căn cứ đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 và 3,6 triệu đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết:

Các con số 9 triệu và 3,6 triệu được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập và mức chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009 và bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011.

TS Nguyễn Quang A: Căn cứ nào để đề xuất giảm trừ gia cảnh 7 triệu đồng?

Mức khởi điểm chịu thuế là 7 hay 9 triệu đồng/tháng có hợp lý hay không, còn tùy thuộc vào điều kiện sống (nông thôn hay thành thị, điều kiện của từng gia đình…) Chẳng hạn, người dân ở nông thôn có thể sống thoải mái với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, nhưng ở thành phố thì rất khó.

Hai vợ chồng nếu đã có nhà ở thành phố và không có con thì vẫn sống được. Muốn sửa đổi luật thuế TNCN cần phải có điều tra, tính toán một cách nghiêm túc hơn.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CTCP Tập đoàn Thế kỷ: Quan trọng là có kiểm soát được không

Ở đây, có thực tế là, với thuế suất quá cao (25-30%), những người có thu nhập cao sẽ tìm cách lách thuế. Chẳng hạn, một ông tổng giám đốc sẽ góp cổ phần vào công ty, hoặc lập ra nhiều công ty cổ phần khác.

Mọi chi phí của ông này như xăng xe, điện thoại, tiếp khách, công tác, ôtô… đều tính vào chi phí doanh nghiệp. Bằng cách này, ông ta chỉ nhận lương như người lao động bình thường, nên phần chịu thuế TNCN cũng rất ít. Còn ông ta có khoản thu nhập khác rất lớn là cổ tức, chỉ chịu thuế TNCN là 5% thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.