Quảng Nam kiến nghị lên Thủ tướng

Quảng Nam kiến nghị lên Thủ tướng
TP - Ngày 18-9, tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tiếp xảy ra 3 trận động đất khiến người dân tiếp tục hoảng sợ. Chính quyền huyện Bắc Trà My đang thấp thỏm lo âu, UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ.

> Ba trận động đất ở Bắc Trà My sáng ngày 18-9

Ông Hồ Văn Xí dựng nhà tạm bên nhà tái định cư vì lo sợ động đất
Ông Hồ Văn Xí dựng nhà tạm bên nhà tái định cư vì lo sợ động đất.

Nghèo đói không sợ, chỉ sợ động đất

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Rạng sáng 18-9, khu vực Bắc Trà My tiếp tục xảy ra 3 trận động đất rõ rệt.

Trận thứ nhất, lúc 1 giờ sáng, cường độ lớn, rung chuyển rất mạnh. Bà con thị trấn và các xã lân cận thủy điện Sông Tranh 2 đã phải bỏ chạy ra khỏi nhà.

Trận thứ 2 và thứ 3 vào lúc 4g35 phút và 4g45 phút, cường độ nhẹ. Ngay trong ngày, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, Sở KHCN để nắm tình hình và sớm có chỉ đạo.

Như vậy, liên tiếp trong 2 ngày 17 và 18-9, tại Bắc Trà My đã xảy ra thêm 5 trận động đất.

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ đầu năm 2012 đến ngày 12-9, đã có 52 trận động đất lớn tại huyện Bắc Trà My. Trong đó có 15 trận mạnh mà người dân cảm nhận được, chưa kể 5 trận xảy ra trong 2 ngày qua.

Sáng 18-9, ở thị trấn Trà My, nỗi lo sợ vẫn thể hiện rõ trên khuôn mặt của người dân ở đây.

Chị Trần Thị Nhung, tiểu thương buôn bán ngay chợ Bắc Trà My cho biết: “Khoảng 4h30 tôi ra chợ sớm để dọn hàng thì thấy động đất rung chuyển cả hàng quán nên chạy ra ngoài để phòng bất trắc. Khoảng 10 phút sau thêm một trận rung chấn nữa. Chị em đây ai cũng sợ, vừa bán vừa run”.

Tại xã Trà Đốc, người dân vùng tái định cư (TĐC) và chính quyền xã những ngày qua lại thấp thỏm như ngồi trên đống lửa vì sợ động đất.

Ghé UBND xã Trà Đốc, hơn 30 cán bộ xã cũng cùng tâm lý lo sợ. Đã xuất hiện nứt nẻ tại phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã Hồ Cao Quý.

Ông Phạm Văn Nhân, Phó chủ tịch HĐND xã Trà Đốc nói: “Người dân Trà Đốc đói nghèo không sợ nữa, giờ chỉ sợ động đất thôi. Dân không dám ở nhà xây, quay lại ở nhà sàn vì sợ nhà sập!”.

Ông Hồ Văn Xí (80 tuổi), người dân thuộc khu TĐC thôn 3 Trà Đốc đang dựng tạm túp lều bên cạnh ngôi nhà của BQL dự án thủy điện 3 xây cho, để đứa con gái út và 2 đứa cháu ngoại ở.

“Sợ động đất lắm. Nhà cửa nứt nẻ hết rồi” - ông Xí nói. Căn nhà xây của ông Xí và vợ chồng cô con gái út trống trơn. Gia đình ông thuộc diện TĐC từ lòng hồ lên.

Đề nghị Thủ tướng sớm can thiệp

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du khu vực Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 có quyết định chuẩn xác đối với vấn đề tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa mưa bão năm 2012, đề nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai đề tài nghiên cứu quá trình diễn biến động đất tại huyện Bắc Trà My và vùng lân cận trong năm 2012.

Trước mắt, lắp đặt ngay hệ thống các trạm quan trắc động đất để theo dõi tình hình, đánh giá xu thế động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

Chỉ đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sớm có thông báo chính thức về kết quả khảo sát, nghiên cứu hoạt động động đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và vùng lân cận trong thời gian vừa qua để tỉnh có cơ sở thông báo cho nhân dân.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 đối với trường hợp sự cố vỡ đập; phối hợp chính quyền các địa phương vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt để nhân dân chủ động phòng tránh.

Chiều 18-9, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý cấp cho huyện Bắc Trà My 100 tấn gạo để hỗ trợ người dân vùng TĐC công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực do người dân thiếu đất sản xuất và hoang mang lo sợ vì động đất kéo dài.

Vụ sập cầu cảng dầu khí Đà Nẵng:

Có ảnh hưởng dư chấn động đất ở Quảng Nam?

Chiều 18-9, trao đổi về vụ sập cầu cảng dầu khí Đà Nẵng (Tiền phong đã đưa tin), Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết đơn vị yêu cầu chủ đầu tư (Cty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc) gửi hồ sơ vụ việc trước ngày 27-9, đồng thời có biện pháp khắc phục cụ thể, kịp thời sự cố trên.

Theo báo cáo nhanh của Cty CP Kinh doanh khí hỏa lỏng miền Bắc: công trình Tổng kho cầu cảng dầu khí Đà Nẵng (P.Thọ Quang, Sơn Trà) xảy ra đêm 8-9, có tiếng nổ tách bê tông. Đến ngày 9-9, đơn vị chức năng phát hiện nhiều khối cát bị sụt lún, một số phân đoạn trụ bê tông bị ngã đổ. Ngày 10-9, cầu đệm phân đoạn 2 bị ngã đổ hoàn toàn…

Báo cáo này cũng nhận định: Thời gian qua trời mưa kéo dài từ ngày 4 đến ngày 9-9 dẫn đến nước ngấm vào trong cát gây sụp đổ. Có tính đến ảnh hưởng của dư chấn động đất ở Quảng Nam xảy ra thời gian trước đó. Tuy nhiên, theo cán bộ Sở Xây dựng Đà Nẵng, đây chỉ là nhận định sơ bộ để đưa ra kết luận chính thức cần tiếp tục có các cơ quan kiểm tra, giám định. Sự cố này khiến công trình bị thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG