Đồn trúng kỳ, người tứ xứ kéo về bãi trầm

Đồn trúng kỳ, người tứ xứ kéo về bãi trầm
TP - Sáng sớm 24-9, tại bến xe Ba Ngòi (thành phố Cam Ranh) và ngã ba Đồng Lác (QL1A – tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), có rất nhiều tốp người mang lỉnh kỉnh ba lô, dao rựa, xoong nồi đứng ngồi vạ vật chuẩn bị vào bãi trầm.

> Cận cảnh phá rừng tìm kỳ nam

Bãi trầm bị đào bới ngổn ngang
Bãi trầm bị đào bới ngổn ngang.

Gần đỉnh đèo Khánh Sơn, cũng có khoảng năm chục người trong bộ dạng trên trong mấy lán hàng nước và quanh một chiếc xe 16 chỗ mang biển số Quảng Nam. Người tứ xứ vẫn tiếp tục kéo về Khánh Sơn…

Trong căn nhà ở thôn Mà O, đối diện trụ sở UBND xã Sơn Trung (Khánh Sơn), anh Nguyễn Minh khoe, nhóm của anh được lộc rừng ở Gộp Ngà. “Xưa nay có biết trầm, kỳ ra sao đâu, khi đào thấy một cục đen đen to cỡ ngón tay, chúng tôi hỏi mấy người Quảng Ngãi, họ bảo đó đúng là kỳ.”

Anh Minh nói, mẩu nghi là kỳ đó đã được mang đi bán, nhưng anh cũng không hy vọng được chia nhiều tiền, vì nhóm anh có tới 61 người.

Ở cửa rừng Gộp Ngà, cạnh đập tràn Đầu Bò Thượng bên suối Đầu Bò, hơn chục thợ rừng ngồi nhậu, mồi nhậu là hai quả trứng luộc. Hầu hết trong đám đó, tôi đã gặp ở bãi trầm Gộp Ngà ngày 23-9.

Họ kể, ít lâu sau khi chúng tôi rời Gộp Ngà, một nhóm người ở Quảng Nam đã đào trúng một khối kỳ nam lớn.

Đâu đâu cũng nghe nhóm này trúng trầm, nhóm kia được chia mỗi người vài trăm triệu đồng, nhưng cụ thể là nhóm nào, ai đã thực sự được cầm tiền bán trầm, kỳ trong tay, không ai chỉ ra được.

“Còn tụi tôi, đã mấy ngày nay chưa gặp một vảy trầm nào”. Một người tìm trầm giọng Phú Yên nói.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Hoàng ở thôn Phú Lương (Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) nói, chưa biết có được gì hay không, nhưng đã khá tốn kém.

Theo anh, từ ngã ba Đồng Lác lên Khánh Sơn chỉ bốn chục cây số, giá một chuyến xe 12 chỗ là 1 triệu đồng, giá xe ôm là trăm rưỡi ngàn đến hai trăm ngàn đồng một chuyến. Có lẽ, được lợi nhiều nhất là những người chạy xe ôm và dân địa phương dẫn đường từ đập tràn Đầu Bò Thượng lên bãi trầm. Càng nhiều người nghe lời đồn về trúng trầm, kỳ tìm lên Gộp Ngà tìm vận may, họ càng được lợi.

Sáng 24-9, khi chúng tôi trở lại bãi trầm, ở đây vắng hoe, vì đoàn kiểm tra của UBND huyện vừa lên. Chiều 22-9, khi đoàn kiểm tra lên, ở đây cũng vắng hoe. Nhưng sau khi đoàn kiểm tra rút khỏi, người tìm trầm lại tràn ngập bãi.

Suốt sáng 23-9, chúng tôi không thấy một cán bộ, công an nào của huyện Khánh Sơn và xã Sơn Trung lên bãi trầm. Trước đó, khi chúng tôi nhờ dẫn đường lên, một công an viên Sơn Trung còn tỏ ý đòi thù lao. Ngay tại cửa rừng, một người dân Sơn Trung đã bức xúc phản ánh với Chủ tịch UBND huyện về dấu hiệu “bảo kê”.

Theo ông, đêm nào cũng có vài nhóm người đào bới trong bãi trầm, trong khi nhiều nhóm tìm trầm khác bị ngăn cản.

Theo ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, sáng 24-9, UBND huyện đã họp khẩn lần 2 về tình hình tìm trầm ở rừng Gộp Ngà. Do vận động, đưa người khỏi bãi trầm và chốt chặn, kiểm tra ở đỉnh đèo Khánh Sơn, hiện nay số người đi đào tìm trầm chỉ còn khoảng hai trăm người.

Ông Dũng cho biết, chủ trương của huyện là kiên trì vận động người tìm trầm rời khỏi bãi, vận động đồng bào địa phương không cho người ở nơi xa trú ở trong nhà nếu họ không phải là bà con, xử phạt nghiêm những người vi phạm quy định về đăng ký tạm trú.

“Hiện tại, huyện vẫn chủ động ổn định được tình hình. Nếu có diễn biến phức tạp hơn, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết” – ông Dũng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.