Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Hơn vạn lao động bị 'treo'

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Hơn vạn lao động bị 'treo'
TP - “Nếu không có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, 12.000 lao động đã có hồ sơ trên mạng sẽ khó có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc” - ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định với PV Tiền Phong.

> Hàn Quốc ngừng tuyển lao động Việt Nam

Ông Minh cho biết, hạn ngạch năm 2012 phía Hàn Quốc giao, Việt Nam đã sử dụng hết. Bạn cũng đã ra thông báo hạn ngạch năm 2013 là 62.000 lao động cho 15 nước được phép đưa lao động vào Hàn Quốc (trong đó có Việt Nam).

Tuy nhiên, vì tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao nhất trong 15 nước nên Hàn Quốc chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động trung thành (suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc không chuyển chủ - PV) và lao động về nước đúng thời hạn mà không tiếp nhận lao động mới.

Ứ đọng 12.000 lao động

Lao động chuẩn bị vào phòng thi tiếng Hàn tháng 12-2011 tại điểm thi Hà Nội Ảnh: Phong Cầm
Lao động chen chúc trong kỳ thi tiếng Hàn tháng 12-2011. Ảnh: Phong Cầm.

Vậy số phận của 12.000 lao động đã thi đỗ tiếng Hàn sẽ thế nào, thưa ông?

Phía Hàn Quốc đã thay đổi chính sách. Họ không ưu tiên hạn ngạch lớn cho Việt Nam như những năm trước đây (Việt Nam luôn dẫn đầu trong số 15 nước về số lao động được tiếp nhận - PV).

Trước đây, lao động các nước được tiếp nhận nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sử dụng lao động phía Hàn Quốc chọn nhiều hay ít; còn bây giờ phụ thuộc vào tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của từng nước cao hay thấp.

Trong khi đó, lao động bất hợp pháp của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất. Tính tại thời điểm tháng 6-2012, lao động bất hợp pháp của Việt Nam chiếm tới 54%, tương đương với 11.000 người.

Như ông nói thì 12.000 lao động đã thi đỗ tiếng Hàn không còn cơ hội sang Hàn Quốc làm việc?

Đúng vậy. Trong số 13.958 hồ sơ của kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng
12-2011 được gửi lên mạng cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, đến nay, mới có 2.816 lao động được chọn, số còn lại phải chờ hạn ngạch tuyển dụng năm 2013.

Cộng dồn với các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trước, hiện, Việt Nam còn khoảng 12.000 hồ sơ của lao động đang ứ đọng trên mạng mà chưa được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Những lao động mới (chưa đi Hàn Quốc lần nào) này rất khó được lựa chọn.

Từ nay đến hết năm, họ chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn. Họ sẽ không tuyển dụng lao động mới là điều chắc chắn.

Hàng chục huyện sẽ bị cấm XKLĐ sang Hàn Quốc

Lao động chen chúc trong kỳ thi tiếng Hàn tháng 12-2011 Ảnh: Phong Cầm
 

Vậy trong năm 2013, liệu Hàn Quốc có tiếp nhận lao động Việt Nam nữa hay không?

Việc Hàn Quốc có tuyển mới lao động Việt Nam hay không và số lượng bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào việc Việt Nam có triển khai các giải pháp để hạn chế tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp đang có xu hướng gia tăng tại Hàn Quốc hay không.

Nếu 11.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục ở lại Hàn Quốc và con số này tiếp tục tăng, chắc chắn, cánh cửa sang Hàn Quốc sẽ khép lại với lao động Việt Nam. Trước mắt, 12.000 hồ sơ đang ứ đọng sẽ tiếp tục “đóng băng”.

Nếu trong năm 2013, số 12.000 lao động này không được tiếp nhận thì sẽ tạo ra sự hoang mang cho người lao động, thậm chí nguy cơ nhãn tiền là họ sẽ bị hết hạn chứng chỉ tiếng Hàn, theo ông nên phải làm gì?

Cần có biện pháp để vận động đưa 11.000 lao động bất hợp pháp về nước thì cánh cửa sang Hàn Quốc cho 12.000 lao động đang bị ứ đọng mới mở.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã áp dụng nhiều biện pháp. Ngoài tiếp tục tuyên truyền vận động, sẽ áp dụng biện pháp mạnh.

Đó là sẽ cấm một số huyện trong một số tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao không được tham dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn cũng như cấm lao động huyện đó sang Hàn Quốc làm việc.

Hiện, có 50 huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao trên 50% ở một số địa phương như: Hải Dương, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Bắc Giang...

Mục đích của biện pháp này là nhằm để các địa phương tự đấu tranh với nhau. Huyện nào có lao động bỏ trốn cao thì nhường quyền đi XKLĐ cho lao động các huyện chấp hành tốt hơn.

Ngoài ra, để chính quyền địa phương tại các huyện đó phải có trách nhiệm cam kết với từng gia đình để vận động con em họ về nước sớm.

Đồng thời, sẽ đề xuất với phía Hàn Quốc tăng cường các đợt truy quét lao động cư trú bất hợp pháp và xử phạt nặng (20 triệu won, tương đương với 18.000 USD - PV) đối với các ông chủ sử dụng lao động bất hợp pháp là người Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Hơn 6.500 lao động đã xuất cảnh

Theo Trung tâm lao động ngoài nước, từ đầu năm đến nay, chỉ có 6.572 người đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc trong số 6.792 người được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn.

Hiện, phía Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) vẫn tổ chức các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính cho lao động trung thành và lao động về nước đúng hạn, còn kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động mới chưa được công bố.

Với lao động trung thành, đến thời điểm 20-9, cả nước đã có 566 lao động được phía Hàn Quốc tái tuyển dụng.

Trong số này, có 433 lao động đã làm thủ tục đăng ký trở lại Hàn Quốc làm việc và có 210 lao động đã được cấp visa, chờ tháng 10 tới sẽ tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc.

 

Phong Cầm
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).