Cần có phương án cho tình huống xấu nhất tại thủy điện Sông Tranh 2

Đoàn công tác BCH PCLB Trung ương kiểm tra tại Thủy điện Sông Tranh 2 Ảnh: N.T
Đoàn công tác BCH PCLB Trung ương kiểm tra tại Thủy điện Sông Tranh 2 Ảnh: N.T
TP - Ngày 27-9, tại Bắc Trà My, làm việc với Ban Quản lý (BQL) dự án thủy điện 3 và tỉnh Quảng Nam, đoàn công tác của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Trung ương yêu cầu các bên khẩn trương xây dựng những phương án phòng ngừa các tình huống xấu nhất trong mùa mưa lũ.

> Báo cáo về động đất sơ sài và trùng lặp

Không tích nước, vẫn chứa gần 500 triệu m3

Theo thống kê của huyện Bắc Trà My, thời gian qua, đã có 23 trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên huyện, trong đó có 4 trận rất mạnh khiến 211 căn nhà của huyện bị nứt và 6 công trình lớn bị hư hại.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng BCH PCLB Quảng Nam cho biết, dù không tích nước nhưng với việc hồ không có cửa xả đáy thì mực nước hồ lúc cao điểm vẫn là 161m, tương đương với 480 - 500 triệu m3 nên rất cần thiết phải có phương án phòng chống lụt bão cho người dân vùng hạ du.

Kịch bản phải kéo dài theo địa hình của dòng sông Tranh qua Thu Bồn xuống đến Cửa Đại (Hội An).

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực BCH PCLB Trung ương cho biết, nhiều người đã âu lo trước tình hình hiện nay của thủy điện này.

Hiện nay, lòng hồ đang ở cao trình nước chết (140m), đập không có xả đáy việc chống thấm chưa được kiểm định nên lo ngại về chất lượng của việc chống thấm tại các vị trí phía trên.

Ông Vũ Đức Toàn, Phó trưởng BQL Dự án thủy điện 3, cho rằng: Đến nay việc chống thấm đã hoàn thành, chất lượng công trình đã đảm bảo không đáng lo ngại trong mùa mưa lũ năm nay.

Nhưng ông Diệu vẫn nghi ngờ: Vào mùa mưa lũ, mức nước lòng hồ dâng lên cao trình 161m liệu việc rò rỉ nước có xảy ra, động đất có tiếp diễn và an toàn đập liệu có đảm bảo hay không, chưa thể khẳng định.

Từ cao trình 161m trở xuống việc điều tiết nước chỉ qua 2 tổ máy. Trường hợp lũ lớn vượt ngưỡng tràn thì đập Sông Tranh 2 không còn khả năng xả lũ, cắt lũ cho hạ du được nữa.

Do đó, không thể lường trước được điều gì. Yêu cầu BQL Dự án thủy điện 3 phối hợp với tỉnh Quảng Nam khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lũ và phải đưa ra tình huống xấu nhất đối với đập thủy điện Sông Tranh 2.

Đồng thời, BQL cần minh bạch thông tin cập nhật thường xuyên cho địa phương, người dân, cơ quan chức năng về hiện trạng đập, lưu lượng nước về hồ trong mùa mưa lũ. Tỉnh Quảng Nam cần xây dựng lại phương án riêng, theo tình hình mới, không dùng các phương án cũ của các năm trước.

Cần xây dựng bản đồ lũ cho vùng hạ du để người dân chủ động phòng tránh lũ, giảm thiệt hại khi có sự cố. BCH PCLB đập thủy điện Sông Tranh 2 của BQL cần có người của chính quyền địa phương tham gia để theo dõi và có báo cáo, hướng xử lý kịp thời khi có sự cố.

Cần lắp đặt thêm hệ thống quan trắc phía thượng nguồn hồ chứa để theo dõi sát sao và kịp thời hơn.

“Chúng ta chưa hiểu hết về động đất và đang chờ nghiên cứu về động đất, không thể nói an toàn tuyệt đối được. Hiện nay hạ du chưa có bản đồ lũ để sơ tán dân, nên không thể kiểm soát được tình hình khi lũ về và sự cố đập xảy ra”, ông Diệu nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho biết: “Mùa mưa lũ đến gần, nỗi lo thủy điện Sông Tranh 2 đã thực sự lớn. Giả sử sự cố vỡ đập xảy ra thì hậu quả sẽ lớn gấp 10 lần trận lũ lịch sử năm 1964”.

Ông Quang cũng đề nghị BCH PCLB Trung ương kiến nghị Chính phủ quy định rõ về thời gian tích và xả nước của các công trình thủy điện. Tích nước phải cuối hoặc sau lũ để đảm bảo an toàn đập, điều tiết nước lũ hạ dụ.

Tránh trường hợp đầu mùa lũ đã vội tích nước, đến khi đầy hồ chứa rồi đồng loạt xả gây lũ lụt. Việc xả nước hiện nay của các hồ thủy điện vào mùa khô thường theo quy định điều độ điện, giá điện nên ảnh hưởng đến địa phương rất lớn.

BCH PCLB Trung ương cho biết, việc quy định thời gian tích và xả nước thủy điện, BCH đã có văn bản gửi Chính phủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp nhận, vì nhiều lý do.

Liên quan Thủy điện Sông Tranh 2, trong cuộc họp báo phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan, yêu cầu phải đảm bảo tính mạng, tài sản của dân. Báo cáo mới nhất cho thấy công trình vẫn đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn yêu cầu tiếp tục kiểm tra, theo dõi, và tiếp tục đánh giá thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.