Nhiều công trình thủy lợi, giao thông sạt lở

Nhiều công trình thủy lợi, giao thông sạt lở
TP - Tuy suy yếu nhanh thành vùng áp thấp khi vào bờ nhưng bão số 7 gây sạt lở nhiều công trình thủy lợi, giao thông, lũ quét ở một số địa phương. Hai người bị lũ cuốn trôi.

> Bão tan, mưa lũ diện rộng

Theo báo cáo nhanh từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên chiều 7-10, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đang tập trung khắc phục hậu quả sạt lở tại một số công trình thủy lợi bị hư hỏng do bão số 7.

Công trình Đắk Sia 1 ở xã Rơ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum bị sạt lở, vùi lấp một phần hai máng tràn thoát nước. Nhiều tuyến tỉnh lộ 674, 675,677, đường Đăk Côi-Đăk Pxi (Kon Tum) bị lầy lội, hư hỏng, sạt lở cục bộ...

Bộ Tư lệnh quân khu V cho hay, trên 5.500 bộ đội cùng hơn 12.000 dân quân tự vệ và hàng trăm ca nô, ô tô được bố trí thường trực tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giúp dân khắc phục hậu quả bão số 7.

Theo thống kê từ các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 7, đã sơ tán hơn 5.100 hộ (trên 19.000 khẩu) tại 18 huyện, thị của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Đến 7-10, do lượng mưa lớn từ nhiều ngày trước và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên và đạt đỉnh.

Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động 2, có nơi báo động 3; các sông ở Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận và ở nam Tây Nguyên ở mức báo động 1 hoặc 2, có nơi trên báo động 2.

Phần lớn các hồ chứa thủy lợi từ Quảng Bình đến Phú Yên và Ninh Thuận còn ở mức thấp, một số hồ đạt 70-80% dung tích thiết kế.

Các hồ khu vực Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa đã tích nước 80-100% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Đắc Uy (Kon Tum), Đắc Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai).

Tám hồ đang xả điều tiết theo quy trình, trong đó có Định Bình (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa), Suối Dầu (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận)... Các hồ thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường.

Nhiều hồ khu vực Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, Sêrêpốk) đã đầy và bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 50-1.500m3/s như Ialy, Pleikrong, Se San 3, Se San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4...

Quảng Nam: 3 dư chấn động đất, 1 người bị lũ cuốn

Người dân xã Tịnh An (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải đi lại bằng ghe Ảnh: CTV
Người dân xã Tịnh An (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải đi lại bằng ghe.  Ảnh: CTV.
 

Tại huyện Bắc Trà My, đêm 6 rạng sáng 7 - 10, nước lũ tại ngầm Sông Trường trên tuyến đường ĐT 616 qua xã Trà Sơn dâng cao băng qua ngầm khoảng 1,5m, chia cắt toàn bộ huyện Nam Trà My và 6 xã vùng cao gồm Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Tân, Trà Đốc trong nhiều giờ.

BQL thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, đêm 6-10, lượng nước lũ đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến, với lưu lượng 3.500m3/s.

Đơn vị đã cho chạy hết công suất hai tổ máy để giảm lưu lượng nước về lòng hồ. Đúng 9h ngày 7-10, nước ở lòng hồ đã đạt cao trình 145,9m (cao hơn 6m so với mực nước chết).

Tuy nhiên, lượng mưa đến trưa 7-10 đã suy giảm, lưu lượng nước đổ về lòng hồ còn 480m3/s, nhưng vẫn gấp đôi so với lưu lượng nước thoát tối đa khi phát 2 tổ máy (230m3/s).

Đêm 6-10, rạng sáng 7-10, vùng Bắc Trà My lại xảy ra 3 cơn dư chấn làm rung mặt đất.

Trận lớn nhất bắt đầu lúc 2h17 phút 7-10, kéo dài khoảng 7 giây. Theo người dân Bắc Trà My, trận động đất này có cường độ không thua kém các trận động đất mạnh trước đó.

Huyện Bắc Trà My đã chuyển khẩn cấp hơn 130 tấn gạo cho người dân để phòng thiếu đói trong trường hợp bị cô lập. Huyện cũng tổ chức trực ban 24/24 tại tất cả công sở, trường học và huy động 3 máy ủi, máy xúc tại các điểm xung yếu để ứng phó bão số 7.

Ngày 7-10, Công an huyện Nam Trà My xác nhận, có một trường hợp bị lũ cuốn trôi chưa tìm được thi thể. Đó là anh Đoàn Phước Huệ (31 tuổi, ở xã Trà Mai, Nam Trà My), là lái xe đào khai thác cát cho Cty Thanh Quảng Trà.

Chiều 6-10, anh Huệ điều khiển xe đào ra sông Tranh để kéo máy móc ra khỏi lòng sông, nhưng khi xe quay vào bờ thì chết máy, ngập nước lũ.

Anh Huệ hoảng sợ nhảy khỏi xe để bơi vào bờ thì bị cuốn theo dòng nước lũ. Hơn 15 công nhân tổ chức tìm kiếm dọc sông Tranh hơn 10km, nhưng đến chiều 7-10 vẫn chưa thấy xác nạn nhân.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, từ đêm 5-10 đến sáng 7-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa lớn trên diện rộng khiến 1 người bị cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà và hàng ngàn héc ta cây trồng bị ngập úng.

Chiều 6 - 10, chị Nguyễn Thị Ánh Trầm (18 tuổi, trú tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) đang đi làm rẫy về qua cầu tạm bắc qua suối Ea Va thì bị nước cuốn trôi.

Mưa lớn cũng đã làm hư hỏng một số đoạn đường trên địa bàn, cuốn trôi 2 cầu bán kiên cố. Tại huyện Ea Súp, mưa lớn khiến 40 thôn (thuộc 9 xã và 1 thị trấn) bị ngập lụt.

Trong đó, 490 nhà bị ngập sâu 0,2 - 1,5m; 1.792 ha hoa màu bị ngập (ước tính thiệt hại 50% sản lượng) và 19km đường bị ngập, trong đó 0,2km bị sạt lở, hư hỏng nặng, nhiều đoạn đường nông thôn bị lầy lội.

Phú Yên: Nhiều vùng bị chia cắt

Mưa lũ đã gây chia cắt nhiều vùng, nhất là các xã ven biển và miền núi. Tại cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa), sóng lớn gây xói lở móng, nền gần 200m3 đất đá, 16m3 bê tông, làm hư hỏng, cuốn trôi 20 tấm chắn cắt.

Dọc bờ sông Ba thuộc thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) bị sạt lở gần 200m chiều dài, ăn sâu vào đất liền 4-5m, phá hỏng nhiều diện tích hoa màu của người dân… Ước tính thiệt hại ban đầu hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Phó Chủ tịch huyện Tuy An, cho biết: Chiều 7-10, cầu Long Phú (xã An Cư) vẫn bị chia cắt do nước lũ chảy xiết.

Gần 45ha lúa ở các xã An Thạch, An Hiệp, An Hòa, An Thọ bị bồi lấp, ngập úng; 290 ha sắn, mía bị đổ, khoảng 200 ha hồ tôm bị bồi lấp, vỡ bờ, gần 250 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Nước lũ cũng cuốn trôi cầu tạm An Lĩnh 1 và xã An Hiệp, gần 200m kè Ông Hạo bị xói lở, cuốn trôi hơn 800m3 đá…

Quảng Ngãi cho phép ngư dân ra khơi

Ngày 7-10, ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ký thông báo gửi các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn cho phép ngư dân ra khơi khai thác thuỷ sản, trong vùng biển Quảng Ngãi. Ngay trong buổi sáng, hàng chục tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân Sơn Tịnh, Bình Sơn tranh thủ giăng lưới đánh bắt ven bờ.

Tránh bão, một tàu cá bị cháy rụi

Ngày 7-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT lập hồ sơ điều tra, xác minh vụ một tàu cá bị cháy rụi trên sông Dinh (TP.Vũng Tàu). Theo thông tin ban đầu, ngày 6-10, tàu cá BV 0553TS (do ông Tô Quốc Khương, trú tại phường 11, TP Vũng Tàu, làm chủ) chạy vào sông Dinh để tránh bão số 7. Tại đây, thuyền viên trên tàu dùng máy bơm để bơm nước ra khỏi tàu. Trong quá trình vận hành máy bơm, đã xảy ra sự cố chập điện, khiến tàu bốc cháy dữ dội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.