Bất ổn báo cáo thủy điện Đồng Nai 6&6A

Bất ổn báo cáo thủy điện Đồng Nai 6&6A
TP - Sau khi phát hiện nhiều điều giật mình ở báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) công trình thủy điện Sông Tranh 2, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra các bất thường khác ở ĐTM hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

> Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Kỳ 1- Lung lay từ pháp lý

Còn ít ngày nữa, hội đồng thẩm định 16 người, do một thứ trưởng của Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) đứng đầu, sẽ họp và quyết định thông hoặc không thông qua báo cáo ĐTM của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (ĐN6&6A).

“Khó có thể chấp nhận khi nói khu vực dự án là nơi nghèo về rừng, nghèo về đa dạng sinh học”, TS Đào Trọng Hưng- Chuyên gia Sinh thái Nhân văn, Thành viên Ban Tư vấn VRN. Trong ảnh là nơi dự kiến xây dựng thuỷ điện. (Ảnh: Lê Anh Tuấn, chụp ngày 6-8-2011)
“Khó có thể chấp nhận khi nói khu vực dự án là nơi nghèo về rừng, nghèo về đa dạng sinh học”, TS Đào Trọng Hưng- Chuyên gia Sinh thái Nhân văn, Thành viên Ban Tư vấn VRN. Trong ảnh là nơi dự kiến xây dựng thuỷ điện. (Ảnh: Lê Anh Tuấn, chụp ngày 6-8-2011).

Rất hiếm dự án thủy điện tầm trung nào, với tổng công suất dự kiến 240 MW nhỏ hơn thủy điện Sông Tranh 2 đang ở trạng thái tê liệt, lại được Bộ TN&MT có một thao tác dọn đường khá đặc biệt trước cuộc họp hội đồng thẩm định.

Trang chủ Bộ TN&MT ngày 2-10 đăng bài nêu quan điểm của Cục Thẩm định&ĐTM về báo cáo ĐTM mới nhất thủy điện ĐN6&6A. Đọc xong bài gần như mang tính tuyên ngôn chỉ đường cho hội đồng thẩm định, không ít người cảm thấy bất an. Cộng đồng mạng phản ứng gần như tức thì.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, thành viên Hội đồng Thẩm định ĐTM hai dự án thủy điện ĐN6&6A, bày tỏ: “Mấy hôm nay, tôi nhận được nhiều thư từ, e-mail của các anh, chị, các tổ chức về việc thẩm định ĐTM của hai dự án thủy điện ĐN6&6A. Hội đồng chưa họp tuy đã khảo sát, đã đánh giá hiện trường. Tôi chỉ là một thành viên, một lá phiếu nên tác động cũng rất hạn chế. Nhưng hứa với các bạn, là cán bộ khoa học, tôi sẽ trung thực và khách quan”.

Đáng chú ý đầu tiên là quan điểm trái ngược giữa Cục Thẩm định&ĐTM và nhiều nhà khoa học trên hầu hết các khía cạnh quan trọng nhất của báo cáo ĐTM thủy điện ĐN6&6A.

Cục Thẩm định&ĐTM nhận định: “chủ đầu tư đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình thực hiện ĐTM…, thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội”; và “Những vấn đề đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và tổn thất về môi trường cũng đã được thể hiện tương đối rõ ràng trong báo cáo ĐTM”.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt bằng chứng bác bỏ nhận định này. Cùng ngày 2-10, Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam (VRN) gửi kiến nghị 15 trang chỉ ra các lỗi trầm trọng của báo cáo ĐTM.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ - chuyên gia thủy lợi thủy điện và là thành viên Ban Tư vấn của VRN, cho hay báo cáo ĐTM mới đã vấp phải lỗi cơ bản nhất, căn cứ pháp lý để xây dựng dự án.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 làm ngập vĩnh viễn 155,35 ha, trong đó bờ phải hồ có diện tích 77,9 ha thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và bờ trái hồ có diện tích 77,63 ha thuộc VQG Cát Tiên.

Còn dự án Đồng Nai 6A làm ngập vĩnh viễn 107,50 ha trong đó 50,55 ha thuộc VQG Cát Tiên. Cả hai thủy điện này, mỗi công trình đều chiếm dụng VQG Cát Tiên trên 50 ha.

Như vậy, theo Nghị quyết Quốc hội số 49/2010/QH12 ngày 19-6-2010, đây là những dự án phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

“Không hiểu sao, báo cáo ĐTM không hề nêu căn cứ pháp lý quan trọng này”, TS Đào Trọng Tứ nói.

Chưa hết, Luật Đa dạng Sinh học (ĐDSH) năm 2008, Điều 7, ghi rõ những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có việc xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

“Hai thủy điện ĐN 6&6A không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc xây dựng hai công trình này vi phạm luật”, TS Tứ
nói tiếp.

Đá quả bóng trách nhiệm

Cũng theo Luật ĐDSH, Điều 11, Mục 2, Tiết (d): Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch ngành, lĩnh vực, trừ quy hoạch quốc phòng, an ninh thì ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

TS Lê Anh Tuấn - chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước và là thành viên Ban Tư vấn VRN, nói: “Quy hoạch xây dựng thủy điện là thuộc quy hoạch ngành, do đó phải ưu tiên quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. VQG Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn ĐDSH (đã có) của cả nước. Vậy thì việc điều chỉnh đất của VQG Cát Tiên để làm thủy điện là vi phạm Điều 11 Luật ĐDSH”.

Thế thì trách nhiệm của việc điều chỉnh này thuộc về ai?

Cục Thẩm định&Đánh giá Tác động Môi trường trả lời: “Có sự chồng chéo giữa các quy hoạch của các ngành. Thực chất quy hoạch bậc thang thủy điện lưu vực sông Đồng Nai được lập, phê duyệt trước quy hoạch VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.

Mặt khác, việc quy hoạch VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên có nhiều điểm bất hợp lý thiếu tính khả thi… Cục Thẩm định&ĐTM cho rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)”.

Kiến nghị tập thể của VRN cũng nhận định “Việc Bộ NN&PTNT điều chỉnh đất của VQG Cát Tiên để làm thủy điện là vi phạm Điều 11 Luật ĐDSH”.

Năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hứa Đức Nhị đã ký một quyết định gần như bật đèn xanh cho Cty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đầu tư vào hai thủy điện nằm ngay giữa khu bảo tồn rừng quốc gia.

Theo Theo VRN , VQG Cát Tiên và các khu vực lân cận của tỉnh Đồng Nai hoàn toàn đủ các tiêu chuẩn là khu đất ngập nước theo định nghĩa của Công ước Ramsar mà Việt Nam đã ký kết.

Đặc biệt Bàu Sấu đã được công nhận là Khu Ramsar vào ngày 4-8-2005. Do đó vùng đầm lầy nguyên thủy nhất VN này phải được bảo vệ, cấm khai thác.

Vậy mà, ngày 6-2-2012, Bộ NN&PTNN tiếp tục ra văn bản Số 228/QĐ-BNN-TCLN chuyển đổi mục đích sử dụng 137 ha rừng trong vùng lõi VQG Cát Tiên thành đất để xây dựng thủy điện ĐN 6&6A.

Toàn bộ 137 ha ấy thuộc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Thế giới Đồng Nai và di tích quốc gia đặc biệt.

“Việc làm này là qua mặt Quốc hội”, TS Đào Trọng Tứ nhận định. “Chuyển đổi rừng đặc dụng lớn hơn 50 ha phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chỉ riêng vi phạm Nghị quyết của Quốc hội và Luật ĐDSH thôi là đã có thể cho dừng dự án ngay rồi. Chứ không cần phải làm”.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".