Không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm

Không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm
TP - Ngày 17- 10, tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội trước kỳ họp thứ tư QH khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Tại kỳ họp này, QH sẽ ban hành nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm. Lần này, tuy Trung ương quyết định không kỷ luật, nhưng không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm.

> Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 chưa đến bước cuối cùng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ngày 17-10. Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ngày 17-10. Ảnh: Trí Dũng.

Kiểm điểm rồi - phải xử nghiêm

Ông Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã) và một số cử tri khác nói rằng, nhân dân rất lo lắng về tình trạng đầu tư lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Bảo tàng Hà Nội rộng mênh mông, chẳng có gì trưng bày, nay lại làm Bảo tàng lịch sử quốc gia hàng ngàn tỷ đồng, rồi nhiều công trình hàng trăm tỷ đồng khác xây dựng rất tốn kém, trong khi đời sống khó khăn.

Ông Lộc mong rằng, Đảng, Quốc hội đề cao trách nhiệm chống tham nhũng, lãng phí.

“Kỳ họp thứ tư Quốc hội tới đây cần thể hiện được tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. Kiểm điểm nghiêm thì xử lý trách nhiệm cũng phải nghiêm minh”, cử tri Lộc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chưa bao giờ trong lịch sử Đảng ta, tập thể Bộ Chính trị tự xin nhận một hình thức kỷ luật như lần này.

Bộ Chính trị phân tích đây là trách nhiệm chính trị. “Tập thể đã nhận trách nhiệm thì cá nhân cũng phải nhận trách nhiệm. Bản thân Tổng Bí thư cũng có trách nhiệm và tôi đã nhận trách nhiệm của mình ngay từ đầu”, Tổng Bí thư nói.

Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Trung ương xem xét kỷ luật tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, ra Trung ương bàn, phân tích thấu đáo, cân nhắc nhiều mặt và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật.

Trung ương thấy rằng, để từng đồng chí tự nhìn nhận lại mình, tự sửa chữa khuyết điểm. Đây mới là bước đầu và việc thực hiện Nghị quyết cần phải làm trong cả một quá trình, như rửa mặt mỗi ngày.

Cần phải làm đi làm lại, làm bằng nhiều biện pháp, nhiều kênh. Những vấn đề đã chỉ ra, sắp tới nhất định phải làm, phải sửa. Nếu đồng chí nào không chịu sửa mà vẫn cứ loanh quanh, chúng ta vẫn xử lý được.

Tổng Bí thư cho biết, tại kỳ họp thứ tư này, QH sẽ ban hành nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu được tiến hành hằng năm.

Nếu hai năm liền mà phiếu tín nhiệm không quá bán thì phải nghỉ, theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư4.

Sau khi đã lấy phiếu mà không đạt thì phải bỏ phiếu bãi miễn. Lấy phiếu tín nhiệm là hình thức để răn đe, nhắc nhở, khuyến khích cán bộ làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình.

Tới đây, việc thực hiện Nghị quyết được quán triệt tại các địa phương phải làm cho đúng, làm nghiêm, nếu không đạt bắt phải làm lại. Càng xuống dưới càng phải làm nghiêm, không để xảy ra tình trạng chợ chiều.

Vấn đề là chống tham nhũng cho thật hiệu quả

Cử tri Nguyễn San (Hàng Bông), Nguyễn Hữu Cử (Hàng Đào) phản ánh công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, gây thất thoát lãng phí; các dịch vụ công như khám chữa bệnh… còn tiêu cực, nhũng nhiễu.

Cử tri cho rằng, nợ công và nợ xấu đã ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống nhân dân. “Nợ công chiếm hơn 47% GDP và có thể cao hơn, nhưng hiệu quả đầu tư rất thấp. Trong khi đó, giám sát tại các tập đoàn còn yếu kém, nhìn đâu cũng thấy vấn đề”, cử tri Nông Quang Lộc nói.

Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta đang chống tham nhũng, lãng phí rất quyết liệt và đây là vấn đề không đơn giản.
Vì vậy, lần này chúng ta chuyển ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sang cơ quan của Đảng để tránh tình trạng như người ta nói là tự lấy đá ghè chân mình, vừa đá bóng vừa thổi còi. Bây giờ, vấn đề là làm thế nào cho thật tốt, thật hiệu quả.

Đề cập vấn đề Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng bí thư cho rằng, đất đai là thành quả của cách mạng, là tài sản của quốc gia. Vì vậy, chúng ta khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Đối với những dự án treo, sử dụng đất không hiệu quả, Nhà nước sẽ thu hồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.