Hai phần mộ lặng lẽ ở Truông Bồn

Hai phần mộ lặng lẽ ở Truông Bồn
TP - Đó là hai ngôi mộ liệt sĩ gần nơi 13 TNXP hy sinh ở Truông Bồn, mà chúng tôi mấy lần vào nhưng chưa kịp biết và cũng chưa kịp hương khói...

> Đôi mắt buồn và mối tình thầm lặng
> Kỳ 1: Cọc tiêu mười sáu tuổi

Phần mộ liệt sĩ Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín
Phần mộ liệt sĩ Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín.

Khâu tổ chức nước mình những năm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại quả là chu toàn. Khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1960-1965 tiếp nhận hàng chục tân binh mới nhập ngũ vào học.

Trong số đó có sinh viên trẻ Hoàng Kim Giao, sinh năm 1942 quê ở Đồ Sơn Hải Phòng. Giao là con trai cả của một gia đình 8 người con.

Bố mẹ là cán bộ kháng chiến. Năm 1953 anh được vào học Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm - Trung Quốc. Năm 1958 anh về nước và học tại Trường Bonnal Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Năm 1960 nhập ngũ và là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 1 thiếu sinh quân.

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp khóa học, anh được về công tác tại xưởng quân giới, phụ trách kỹ thuật ra đa. Tiếp đó anh được quân đội cho học và tốt nghiệp chuyên ngành vô tuyến điện, Trường ĐH Bách khoa.

Chiến trường Đông Dương cùng cuộc đánh phá bằng không quân ác liệt ra miền Bắc, Hoa Kỳ đã không tiếc tiền tiếc lực để thử nghiệm những loại vũ khí hủy diệt loại mới nhất.

Từ thời điểm Hoàng Ngọc Giao ra trường, trên các chiến trường đặc biệt là miền Bắc, giặc Mỹ đã thử nghiệm các loại bom mà chúng rêu rao là “bom nổ theo cơ chế chấn động âm thanh không theo quy luật” “bom tinh khôn”, “kẻ hủy diệt”, “kẻ bí ẩn”... thực sự thời gian ấy đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất. Liên tục tắc nghẽn trên những tuyến đường huyết mạch nhất là trên các tuyến lửa Khu Tư tuyến đường Trường Sơn...

Phải tìm cách vô hiệu hóa được loại bom tinh khôn này! Những thành viên ưu tú nhất được tập trung về Cục Nghiên Cứu Tổng Cục Hậu cần trong đó có Hoàng Kim Giao.

Sau nhiều tháng mày mò trên giấy tờ phòng nghiên cứu và thực địa, từ những ngòi nổ của loại bom lạ được mang ra Hà Nội, Hoàng Kim Giao và cộng sự đã tìm ra nguyên lý gây nổ.

Từ ngòi nổ quả bom được gửi về, thiếu úy kỹ sư Hoàng Kim Giao và nhóm nghiên cứu Cục Nghiên cứu, Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam đã tìm ra nguyên lý gây nổ, làm thực nghiệm thành công trên 3 quả bom lạ trên cánh đồng Thổ Khôi ( Gia Lâm, Hà Nội) Tiếp đó là nghiên cứu mạch điện ngòi nổ bom MK42.

Rồi sau đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn chỉnh sơ đồ mạch điện, tạo tín hiệu gây nổ và đo đếm các thông số kỹ thuật loại bom MK42.

Từ kết quả nghiên cứu này, các nhóm nghiên cứu của đơn vị cùng phối hợp định ra cách rà phá bom và áp dụng rộng rãi hiệu quả trên các chiến trường…

...Chúng tôi lặng phắc trước những dòng thư mà thiếu úy Hoàng Kim Giao viết về cho bố mẹ.

Dù đứng giữa bãi bom của địch hay dưới làn mưa đạn máy bay con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày mà từng giờ... Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Con nghĩ cần phải sống nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! và con lại vững vàng tự tin dưới bãi bom...

Lá thư đề ngày 10-11- 1968. Cũng hiếm có một lá thư từ chiến trường gửi về cho người thân lại được phép chi tiết về mức độ ác liệt như thế? Không phải thiếu úy Hoàng Kim Giao làm lộ bí mật mà có lẽ bố mẹ anh đều là những cán bộ cách mạng lâu năm kiên định.

Hoàng Kim Giao có quyền thổ lộ, sẻ chia? Người ta chẳng đã từng nói bố mẹ là bạn của con đấy thôi?

Thời điểm ấy thiếu úy Hoàng Kim Giao phụ trách một tổ công tác đặc biệt về nằm tại Truông Bồn và tuyến lửa Khu Bốn.

Vừa trực tiếp chỉ huy phá bom trên thực địa để đúc rút một số kinh nghiệm phá loại bom lạ của kẻ thù. Vừa trực tiếp huấn luyện cho lực lượng TNXP dân quân địa phương cách rà phá loại bom ác hiểm này. Trong đó có bom từ trường, thủy lôi.

Tôi giật mình, lá thư đề ngày 10-11- 1968. Như vậy thư Hoàng Kim Giao gửi về gia đình sau trận đánh Truông Bồn và cái chết của 13 liệt sĩ TNXP chỉ có mười ngày! Không đề cập trận Truông Bồn nhưng qua một số chi tiết trong thư phá sạch bom đạn giặc cho xe thông đúng 12 giờ sau lệnh ngừng bắn chứng tỏ thiếu úy Hoàng Kim Giao khi ấy đang có mặt tại trọng điểm ác liệt Truông Bồn.

Trong thư ấy, Hoàng Kim Giao khi viết những dòng này Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày mà từng giờ... Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Con nghĩ cần phải sống nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết... Xác định trước là như thế nhưng có lẽ kỹ sư (KS) Hoàng Kim Giao đã không lường trước cái chết của mình ngay tại Truông Bồn vào ngày 30-12-1968.

Đoàn công tác phá bom nổ chậm gồm 6 người do Thiếu uý Hoàng Kim Giao làm trưởng đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã hướng dẫn cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong tháo gỡ và phá được hàng ngàn quả bom.

Đúng thời điểm chuẩn bị ra Hà Nội trong không khí Mỹ ngừng ném bom hạn chế ở miền Bắc, thì tổ công tác của Hoàng Kim Giao phải nán lại theo yêu cầu khẩn thiết của địa phương là giúp phá mấy quả bom chui quá sâu tại xã Nam Hưng (Nam Đàn) cách Truông Bồn gần 1 km!

Hàng trăm lần đối mặt với tử thần, riêng thiếu úy KS Hoàng Kim Giao phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường. Nhưng lần này, Hoàng Kim Giao đã không qua được.

Sáng 30-12-1968, là người chỉ huy, anh giành lấy công việc của chiến sỹ Phạm Văn Cư để tự mình phá một quả bom cắm quá sâu xuống lòng đất với lý do: vợ chiến sỹ Cư vừa sinh con trai.

Quả bom bất ngờ phát nổ khi anh đang moi đất. Thi thể anh và chiến sỹ lái xe phóng từ Lương Văn Tín, tự nguyện cùng anh tham gia phá bom, đã cùng tan vào bụi đất.

Bà con và dân quân Nam Hưng cố tìm kiếm nhiều giờ nhưng chỉ gom lượm được một chút phần thi thể của hai anh. Họ chia ra làm hai và đặt trong đôi quan tài...

Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”

Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem.

Theo ông Phó Bí thư huyện ủy Nam Đàn Phạm Xuân Quang, chúng tôi lần lượt dâng hương trước phần mộ hai anh. Nếu còn bây giờ đã trật thất thập cả. Nhưng các anh mãi mãi tuổi đôi mươi.

Phần mộ hai anh khá tươm tất. Nghe ông Quang nói lại là công sức của dân Nam Hưng cùng gia đình anh Giao ở Hải Phòng, anh Tín ở Thái Bình đã bỏ công tôn tạo cũng mới đây thôi.

Đặc biệt bên bia mộ có khắc đá tấm ảnh tướng Lê Quang Đạo làm việc với anh Giao năm 1967. Có đoạn thư anh Giao viết cho gia đình vừa trích trên đây. Lại có cả vài bài thơ khóc anh.

Trên bia chưa có những dòng như một thứ trích ngang lý lịch chiến công của Hoàng Kim Giao. Gần 30 năm sau ngày Hoàng Kim Giao hy sinh, công trình khoa học “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông (1967 - 1972)” đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là người trẻ nhất được vinh dự là đồng tác giả của công trình được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng khoa học cao nhất của Việt Nam. Năm 2009, LS Hoàng Kim Giao được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Không gian lặng vắng tuyền đượm một mùi nhang vừa thắp. Chất giọng rủ rỉ, ông Quang cho biết thêm rằng, huyện Nam Đàn vừa có chỉ thị nghiêm cấm việc xâm hại khu chứng tích chiến tranh, quanh phần mộ AHLS Hoàng Kim Giao và liệt sĩ Lương Văn Tín.

Chúng tôi nghĩ nơi đây sẽ trở thành một di tích lịch sử về người anh hùng với công trình độc đáo giá trị không những với quá khứ hiện tại mà còn với hậu thế : chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường! Một dấu ấn một mốc son đậm nét trong lịch sử của dân tộc.

Phó Bí thư huyện ủy Nam Đàn Phạm Xuân Quang không ngần ngại bộc bạch, chiến công và sự dũng cảm hy sinh của hai anh cũng đều vì sự thông suốt của một cung đường vận tải chiến lược như các liệt sĩ TNXP.

Phần mộ người anh hùng lại nằm kề bên đường 15A gần sát với Truông Bồn, nên chăng cần đưa phần mộ cùng những hố bom còn gần như nguyên vẹn kia vào quần thể di tích Truông Bồn? Du khách đến chiêm bái quần thể Di tích Truông Bồn cũng tiện việc hương khói cho cả hai anh.

Không rõ mộ phần hai anh đây liệu có trở thành một di tích lịch sử như nguyện vọng của ông Quang cũng là sở nguyện của dân Nam Đàn?

Truông Bồn, thời máu lửa bi thương, sau Ngã Ba Đồng Lộc và những rầm rộ xôm tụ đền ơn đáp nghĩa đã từng bị lãng quên. Mãi gần đây, người ta mới giật thột có một Truông Bồn như thế.

Và hai ngôi mộ liệt sĩ sát ven đường chiến lược 15A của Truông Bồn đã từng lặng lẽ suốt 44 năm. Không có sự tử tế nào bị lãng quên cũng như không có chiến công nào, hy sinh nào bị bỏ sót. Có lẽ lớp hậu sinh cần thường trực hành động ấy mỗi khi gẫm về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của cha anh mình?

Hai phần mộ lặng lẽ ở Truông Bồn ảnh 2
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG