Miền Trung khẩn trương đối phó bão số 8

Miền Trung khẩn trương đối phó bão số 8
TP - Chiều 26-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão Sơn Tinh (bão số 8), được xem là cơn bão đi nhanh nhất trong khoảng chục năm nay, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình, gây mưa to.

> Bão Sơn Tinh tiến thẳng vào miền Trung

Dự báo đường đi của bão Sơn Tinh (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư)
Dự báo đường đi của bão Sơn Tinh (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư).

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đến 16 giờ chiều 27-10, bão có thể cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Theo ông Tăng, nếu bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, khả năng bão sẽ đổ bộ vào phía bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh vào chiều tối 27-10.

Sau đó, do ảnh hưởng rãnh thấp suy yếu, bão di chuyển lên phía tây Nghệ An, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bão cũng có thể sẽ đi cao hơn, vào vùng biển các tỉnh Nghệ An, sáng 28-10, mới vào bờ.

Từ chiều 27-10, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị bắt đầu có mưa, và lượng mưa sẽ tăng dần về đêm, sang ngày 28 và 29-10; ở Bắc bộ, mưa kéo dài hơn.

Sau cơn bão một - hai ngày, có không khí lạnh tràn xuống; từ ngày 30-10 trở đi, mưa sẽ quay trở lại, bắt đầu là Bắc bộ sau đó đến các tỉnh Trung bộ.

Ông Tăng cho biết, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị là vùng mưa rất to, trong đó trọng điểm ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Mưa kéo dài từ đêm 27 đến hết ngày 29-10, lượng mưa khoảng 300-400 mm, có nơi đến 500-600 mm.

Có thể gây thiệt hại lớn trên bờ

Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho hay, qua theo dõi, bão Sơn Tinh là cơn bão đi nhanh nhất trong khoảng gần chục năm nay, đặc biệt, khi vào bờ với cấp độ mạnh nhất trong các cơn bão từ đầu năm tới nay.

Người dân xã ven biển Bảo Ninh (Quảng Bình) đang chằng chống nhà cửa. Ảnh: H.N
Người dân xã ven biển Bảo Ninh (Quảng Bình) đang chằng chống nhà cửa. Ảnh: H.N.

Theo ông Phát, bão số 8 sẽ không đổ bộ vuông góc, mà quét dọc ven bờ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Kể cả khi bão lên bờ, bão vẫn chạy dọc trên đất liền, nên có thể gây thiệt hại lớn. Do vậy, việc bố trí, sắp xếp nơi neo đậu trú tránh của tàu thuyền phải hết sức để ý, tránh trường hợp tàu đắm ngay tại bờ.

Ông Phát lưu ý, việc sơ tán dân ven bờ biển, các khu nuôi trồng thủy sản, chằng chống nhà cửa cần triển khai sớm.

Các tỉnh vùng núi lưu ý, mưa lớn trong và sau bão gây sạt lở, lũ quét, ngập úng, các hồ chứa theo dõi sát mức nước để xả phù hợp.

Mưa lớn cũng có thể gây ảnh hưởng tới 100.000 ha cây vụ đông và 165.000 ha rau màu ở đồng bằng Sông Hồng.

Chiều 26-10, Bộ trưởng Phát dẫn đầu đoàn công tác, vào chỉ đạo ứng phó với bão ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, vùng nguy hiểm của bão số 8 là từ Thanh Hóa vào Quảng Trị. Do vậy, việc di dân phải rà sát kỹ càng, thực hiện sớm trước khi bão vào, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm vì bão đi nhanh, cấp bão lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương bố trí lực lượng, vật tư sẵn sàng, cử người canh gác ở các ngầm giao thông; Bộ Công Thương chỉ đạo cấp điện cho các trạm bơm để tiêu úng.

Các địa phương “nghênh chiến”

Chiều 26-10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng họp khẩn triển khai phương án phòng, chống cơn bão số 8.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban chỉ huy PCLB&TKCN, thành phố đã thông báo đến tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi và neo đậu trong bờ về hướng di chuyển của cơn bão; khẩn cấp yêu cầu tàu thuyền tại các vùng biển nguy hiểm vào bờ. Có 7 tàu với hơn 100 lao động từ vùng biển Hoàng Sa đang trên đường vào bờ.

Đến trưa 26-10, còn 10 tàu (141 người) hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, trong đó Đà Nẵng 3 tàu (38 người), Quảng Ngãi 7 tàu (103 người), đang chạy về bờ gần nhất. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã sẵn sàng 6 máy bay trực thăng, hơn 540 ô tô, hơn 420 tàu, xuồng các loại. Lực lượng quân đội tham gia trên 24.300 người.

Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, theo dõi, quản lý chặt, không cho tàu thuyền xuất bến, lên phương án ứng phó, đặc biệt tại vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở, ngập úng; đề phòng lũ quét; chủ động di dời dân nếu tình huống xấu xảy ra.

Tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), đến cuối giờ chiều 26-10, gần 500 tàu thuyền ngư dân địa phương và các vùng lân cận đã vào neo đậu.

Ông Lê Viết Chữ, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, địa phương đã làm văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện ẩn nấp cho 2 tàu cá trên. Lúc 10 giờ cùng ngày, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cấm tàu thuyền xuất bến.

Sáng 26-10, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) Quảng Bình họp khẩn triển khai công tác ứng phó cơn bão số 8 và ngay sau đó có công điện khẩn gửi các ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung kêu gọi tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Có 493 tàu thuyền với 3.376 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ cho biết nắm chắc thông tin về cơn bão số 8 và đang trên đường vào bờ.

Công điện yêu cầu các ngành, địa phương chuẩn bị nhân lực, vật lực, trực ban 24/24 giờ để điều động lúc cần thiết.

Các địa phương ven sông, ven biển, vùng sạt lở chuẩn bị tình huống di dời dân lúc cần thiết. Hơn 100 tấn gạo, 40 tấn mì tôm đã được tích trữ để ứng cứu người dân khi mưa lũ tràn về.

BĐBP Bình Định phát đồ dùng cá nhân cho ba ngư dân Philippines. Ảnh: V.H
BĐBP Bình Định phát đồ dùng cá nhân cho ba ngư dân Philippines. Ảnh: V.H.
Sáng 26-10, BCH Biên phòng tỉnh Bình Định tiếp nhận 3 ngư dân Philippines (27, 34 và 47 tuổi) bị nạn trên vùng biển Trường Sa, được một tàu cá tại địa phương cứu.

Ông Nguyễn Miên (SN 1974, ở Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 95724 đã cứu 3 ngư dân trên, cho biết, chiều 20-10, đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, tàu phát hiện 3 người trôi tự do trên một chiếc thúng nhỏ trong tình trạng đói, rét, suy kiệt. Họ cho biết trôi tự do 3 ngày trên biển, do bị sóng đánh dạt trong lúc xuống thúng để kiểm tra câu mực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG