Cổ vật dưới nước ở Quảng Ngãi: Liệu có tiếp tục thu bát, đĩa vụn?

Cổ vật dưới nước ở Quảng Ngãi: Liệu có tiếp tục thu bát, đĩa vụn?
TP - Không ít lần phát hiện các di sản văn hóa dưới nước, nhưng ngành chức năng Quảng Ngãi vẫn còn nhiều lúng túng trong khai quật. Nhiều lần chỉ thu được các hiện vật vỡ vụn, sứt mẻ vì người dân đã lặn tìm hết.

> Náo loạn tại bãi biển cổ vật

Chiều 28-10, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Phó Ban chỉ đạo thăm dò khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước, cho hay: Phương án khai quật cổ vật, con tàu đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vẫn đang chờ tỉnh phê duyệt, trước khi trình tiếp lên Bộ VH-TT&DL.

Vị trí con tàu đắm được xác định sau lần khảo sát nằm ở bãi Vũng Tàu cách bờ biển khoảng 200m, ở độ sâu khoảng 4m nước (lúc thủy triều lên). Đây là khu vực neo đậu tàu thuyền của ngư dân xã Bình Châu và các xã lân cận.

Theo các chuyên gia: Lần đầu tiên, một di sản văn hóa dưới nước từ con tàu đắm nằm ở vị trí gần bờ nhất. Trước đó, lần khai quật cổ vật ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được các chuyên gia khảo cổ học tiến hành ở độ sâu hơn 70m dưới biển.

Tuy nhiên, với người dân và ngành chức năng Quảng Ngãi, vị trí cổ vật như thế này không còn là chuyện lạ. Theo bà Lê Thị Chung, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, chỉ riêng vùng biển Bình Châu đã có ít nhất 4-5 tàu cổ bị đắm được phát hiện, trong đó hai lần thăm dò chính thức. Riêng những trường hợp ngư dân phát hiện cổ vật thì nhiều không kể xuể.

Lần đầu cuối tháng 11-1998, tại xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển), chỉ cách bãi Vũng Tàu khoảng 1km, ngư dân phát hiện một con tàu đắm và cổ vật cách bờ chừng 1km.

Ngành chức năng tỉnh đã phối hợp với Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ 2 khảo sát, thăm dò, trục vớt. Tuy nhiên, tỉnh chỉ thu được một số ít mảnh bát đĩa, chén vỡ… được xác định từ thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435) và phần lớn không còn nguyên vẹn.

Năm 1999, cũng tại vùng biển Bình Châu này, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện nhiều cổ vật bằng đồ đồng, đá, tiền cổ… nhưng số lượng khai quật rất hạn chế.

Theo TS Vũ, nhiều hiện vật thu được trong đợt khai quật này được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Quảng Ngãi và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Có thể ở thời điểm này kỹ thuật của chúng ta chưa tốt, nên hiện vật khai quật chủ yếu bị vỡ vụn. Bà Chung cũng cho hay, qua khảo sát số lượng hiện vật từ các vụ phát hiện cổ vật còn lại đều rất ít.

Mới đây, năm 2011, ngư dân ồ ạt khai quật kho cổ vật gồm sứ, gạch lát nền từ con tàu cổ chìm ở bãi Vũng Tàu. Khi ngành chức năng phát hiện, hầu hết số cổ vật dưới biển đã bị vét sạch.

Chưa rõ đợt khai quật cổ vật từ con tàu đắm lần này, Quảng Ngãi sẽ triển khai đến đâu, nhưng ở giai đoạn khảo sát, ngành chức năng tỉnh chỉ thu giữ, tiếp nhận được hơn 50 cổ vật.

Trong đó, chỉ có 6 cổ vật nguyên vẹn, còn lại phần lớn đã hư hỏng, tì vết. Nhiều chuyên gia khảo cổ học lo ngại: Sức ép từ nạn khai thác cổ vật trái phép của người dân địa phương làm nguy cơ cổ vật không còn nguyên trạng và khả năng khai quật được hiện vật vỡ, chén, đĩa, bát vụn vẫn có thể xảy ra nếu không bảo vệ tốt.

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, các chuyên gia khảo cổ khuyến cáo vị trí con tàu cổ nằm gần bờ vừa thuận lợi cho công tác khai quật nhưng gây khó khăn không nhỏ do sóng lớn gần bờ, sự phản ứng của những cư dân bản địa.

Phương án khai quật được tỉnh thống nhất chủ trương trong tình trạng “khẩn cấp”, bằng phương pháp “khảo cổ học”, nhưng đến nay, sau hơn chục ngày kết thúc đợt khảo sát, thăm dò cổ vật, ngành chức năng tỉnh vẫn chưa thể xây dựng xong phương án khai quật “khẩn cấp”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.