Giơ cao đánh khẽ khi xử lý cán bộ đánh bạc

Giơ cao đánh khẽ khi xử lý cán bộ đánh bạc
TP - Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo các sở ngành tại Hà Tĩnh bị bắt quả tang trên chiếu bạc gây bức xúc cho dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, mức án mà các đối tượng này nhận được nằm dưới khung, với hình phạt “cảnh cáo”.

> Cán bộ ngân hàng đánh bạc gần 30 tỷ đồng

Trong khi kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI diễn ra, thông tin Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh Nguyễn Trân cùng ba thuộc cấp bị bắt quả tang đang sát phạt nhau trên chiếu bạc vào 10 giờ ngày 19-7 được công bố khiến dư luận rất bức xúc.

Ba cán bộ thuộc cấp gồm Trần Nam Long (SN 1967, Phó phòng kế hoạch - tài chính), Trần Văn Sử (SN 1965, Trưởng phòng quản lý giao thông) và Trần Phi Được (SN 1954, GĐ Cty cổ phần QLXD công trình giao thông Hà Tĩnh). Họ đang sát phạt ngay tại phòng làm việc của ông Được.

Chỉ sau ít phút bị bắt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đang phát biểu tại kỳ họp thì nhận được tin nhắn qua điện thoại. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lập tức thông báo trước toàn thể đại biểu và tỏ thái độ bức xúc trước hành vi đánh bạc của lãnh đạo, cán bộ Sở GTVT Hà Tĩnh.

Trước khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 diễn ra vài ngày, Phó Cục thuế Hà Tĩnh Đặng Quốc Lạn cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp bị công an bắt quả tang đang đánh bạc tại một khách sạn ở TP Hà Tĩnh với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 25-12-2011, ba cán bộ huyện Lộc Hà cũng bị bắt quả tang trên chiếu bạc.

Tại phiên tòa ngày 18-10, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Trân thừa nhận, chính bị cáo là người chủ động “ta làm vài ván phỏm” với các thuộc cấp.

Giám đốc đi họp, Phó Giám đốc rủ rê thuộc cấp đánh bạc trong giờ làm việc, bỏ bê công việc cơ quan. Tình tiết này không hề được TAND TP Hà Tĩnh nhắc đến trong bản án.

Bị cáo Trân cùng thuộc cấp bị truy tố về tội “đánh bạc”, quy định tại khoản 1, điều 248, Bộ luật hình sự, với mức án là: Cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên mức án mà các bị cáo này nhận được là “cảnh cáo”, thấp hơn hình phạt được quy định.

Trước đó, TAND TP Hà Tĩnh cũng tuyên phạt bị cáo Đặng Quốc Lạn mức án “cảnh cáo”. Trong khi đó, những bị cáo khác không phải là cán bộ, lãnh đạo cùng bị bắt trên chiếu bạc cùng với ông Lạn lại nhận mức án đúng với quy định của pháp luật.

Dư luận mong chờ một bản án đúng người, đúng tội để làm gương cho hàng nghìn “công bộc của dân” khác. Tuy nhiên, bản án các đối tượng này nhận được là quá nhẹ, dưới khung hình phạt. Phải chăng họ là cán bộ, lãnh đạo nên được ưu ái hơn các bị cáo khác?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.