Phải bịt lỗ hổng hệ thống mới chống được tham nhũng

Phải bịt lỗ hổng hệ thống mới chống được tham nhũng
TP - Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: phải bịt các lỗ hổng của hệ thống mới chống được tham nhũng.

> Đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập

Một số ĐBQH cho rằng, cơ quan phòng chống tham nhũng hiện nay hoạt động không hiệu quả, cần lập cơ quan chuyên trách có tính độc lập hơn?

 “Một tên ăn cắp ngoài xã hội tác hại không lớn, nhưng ăn cắp trong bộ máy nhà nước sẽ làm tha hóa bộ máy, làm cho nền công vụ rối loạn đúng thành sai, sai thành đúng. Nó nhào lộn như vậy thì phá hoại vô cùng lớn

Thời gian qua, việc khám phá, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng cơ bản chậm. Có những vụ kéo dài qua nhiều năm. Có một phần nguyên nhân là từ cơ quan điều tra của chúng ta, mặc dù theo quy định tố tụng hoạt động của những cơ quan này là độc lập.

Tuy nhiên, tham nhũng là tội phạm ẩn cho nên yêu cầu đặt ra phải cao hơn nhiều so với điều tra tội phạm trật tự xã hội khác, ít nhất phải như với tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Thứ hai, điều tra tội tham nhũng phải có thẩm quyền đặc biệt, phương pháp điều tra đặc biệt. Công ước của LHQ về chống tham nhũng quy định, cho phép các quốc gia được tiến hành các phương pháp điều tra đặc biệt.

Bên cạnh cơ quan điều tra chung, nhiều nước thành lập cơ quan điều tra độc lập về tội phạm tham nhũng (cơ quan này thuộc nhánh quyền lực Tổng thống, hoặc độc lập hoàn toàn và chỉ tuân theo pháp luật, nằm dưới sự giám sát của Quốc hội).

Cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng như ông nói cần được tổ chức như thế nào?

Ở Việt Nam, cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng đặt ở đâu cũng khó. Cơ quan này không thể thuộc Quốc hội, mà chỉ chịu sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.

Vì Quốc hội chỉ hoạch định chính sách, giám sát, chứ không làm thay cơ quan nhà nước. Cơ quan điều tra về tham nhũng chỉ có thể đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước.

Vì Chủ tịch nước có chức năng thống lĩnh lực lượng vũ trang. Đấy là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Nhưng làm như vậy, chúng ta phải sửa rất nhiều luật, từ Hiến pháp cho đến các đạo luật khác.

Vì vậy, khi chưa làm được như vậy, nên đặt cơ quan này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan điều tra - Bộ Công an (có thể là bộ trưởng hay thứ trưởng). Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Công an, Quốc hội và Chính phủ.

Luật đã quy định cơ quan điều tra hiện nay là độc lập, nhưng thiết chế bảo đảm độc lập thế nào chưa rõ.

Vậy ông có cho rằng phải có cơ chế chống sự can thiệp đó không?

Thực ra cơ chế này cũng đã có, đó là VKSND kiểm sát hoạt động tư pháp, tố tụng. Tuy nhiên, thực tế năng lực để bảo đảm hoạt động tố tụng độc lập chưa tương xứng. Đặc biệt, nếu có sự can thiệp ở cấp cao hơn, hay cấp ủy Đảng thì đôi khi VKS phải làm ngơ.

Bịt lỗ hổng lớn

Nhiều ý kiến lo ngại hiệu quả chống tham nhũng hiện nay mới dừng ở chỗ chỉ “bắt con mèo ăn miếng mỡ”. Ông có hy vọng Luật PCTN sửa đổi sẽ giải quyết được vấn đề?

Để giải quyết căn cơ thì không chỉ có Luật PCTN, còn nhiều việc phải làm nữa. Chúng ta hiểu về tham nhũng quá đơn giản, thậm chí ngây ngô. Ví như việc kê khai, minh bạch tài sản, đâu có đơn giản như thế, vì còn liên quan quyền nhân thân, quyền con người, bí mật đời tư, pháp luật tố tụng.

Công ước Quốc tế về chống tham nhũng quy định: Các quốc gia có thể cân nhắc để quy định đối với việc giải trình không thỏa đáng về tài sản tăng lên bất thường, là hành vi tội phạm.

Khi đã coi là tội phạm thì xử lý rất đơn giản, người ta sẽ vào điều tra được ngay. Còn ở đây mình vào xác minh cái gì? Ai xác minh? Mấy ông tổ chức cán bộ có xác minh được không, trình tự, kết luận thế nào, ai xem xét tính hợp pháp của việc xác minh đó?

Chúng ta đã hiểu việc này quá đơn giản nên không thể nào thực hiện được vì nó liên quan đến quyền con người và thẩm quyền. Chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải tổng kết thực chất, nếu không sẽ hình thức hơn.

Vậy để chống tham nhũng hiệu quả, ông có đề xuất giải pháp gì?

Thứ nhất, về thể chế phải cố gắng hạn chế tối đa kẽ hở cho tham nhũng, nhất là cơ chế xin-cho. Thi cử, xin dự án, xin hỗ trợ, thi công chức… đều có kẽ hở, vì phải chạy chọt.

Phải bịt cái đó, nhưng Luật PCTN không bịt được mà phải toàn bộ hệ thống. Vấn đề quan trọng là minh bạch về hoạch định chính sách, hạn chế tối đa kẽ hở đó.

Nếu không làm được, chống tham nhũng vẫn thất bại. Dù Luật PCTN tham nhũng có hay đến mấy cũng thất bại vì kẽ hở đó nó len lỏi mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Đơn giản như việc cấp phép cho một tổ chức tín dụng, cũng có thể liên quan đến tham nhũng. Không đủ năng lực tài chính, nhân sự, nhưng vì sao nhiều tổ chức tín dụng vẫn ra đời, sở hữu chéo nhau? Vì cơ chế xin - cho không minh bạch.

Thứ hai, mọi hoạt động của cơ qua nhà nước phải minh bạch. Không minh bạch thì còn tham nhũng. Thứ ba, phải nghiêm trị tham nhũng. Bất kể hành vi tham nhũng nào - tôi hoàn toàn đồng tình - không cho xử án treo.

Thế còn việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức như nhiều ĐB nêu thưa ông?

Muốn minh bạch thì nhà nước phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội. Kê khai tài sản hiện nay chưa phải kiểm soát mà chỉ là một kênh rất nhỏ của kiểm soát.

Bản kê khai để ở đâu không quan trọng, quan trọng là đưa ra cơ chế để kiểm soát. Ngay bây giờ các cơ quan của Chính phủ phải bắt tay ngay vào xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của toàn bộ các đối tượng trong xã hội.

Có như vậy mới kiểm soát được tài sản của cán bô công chức. Tôi là chủ tịch tỉnh, tôi có thể chuyển tiền cho con tôi hay ai đó gửi ngân hàng ở Thụy Sỹ, có làm gì được không? Nếu chỉ cán bộ công chức kê khai sẽ không giải quyết được gì, trước khi kê khai họ đánh bùn sang ao hết.

Cảm ơn ông.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Phải bảo vệ người tố cáo

Theo ông, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần quy định ra sao để khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng?

Luật phải quy định những cơ chế thật sự có hiệu quả và hiệu lực trên thực tế. Về mặt nguyên tắc, muốn chống tham nhũng mà không bảo vệ được người tố cáo thì công tác này sẽ hạn chế rất nhiều do người dân sợ, không dám tố cáo.

Phải có cơ chế để người tố cáo hoàn toàn yên tâm là đã được pháp luật bảo vệ. Nhưng đó cũng chỉ là một kênh thôi, còn phải điều tra, kết luận, đánh giá cẩn trọng chứ không phải cứ tố cáo là xong. Nhưng dù sao, đây cũng là một trong những việc rất quan trọng.

Trên thực tế, do chưa đủ cơ sở luật pháp cũng như thực tiễn để bảo vệ người tố cáo, dẫn đến rất nhiều người còn lo ngại, chưa yên tâm khi quyết định tố cáo hành vi tham nhũng.

Theo tôi, trong luật cần quan tâm cả hai vế. Bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo thì cũng phải có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người tố cáo không đúng. Cả hai việc này phải được làm tốt.

Ngọc Tiến ghi

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG