Làm rõ nghi vấn xăng gây cháy xe

Làm rõ nghi vấn xăng gây cháy xe
TP - Lần đầu tiên giả thiết nguyên nhân cháy xe do xăng dầu kém chất lượng được làm sáng tỏ bằng các thực nghiệm khoa học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xăng dầu kém chất lượng vừa có thể trực tiếp, vừa gián tiếp gây cháy xe.

> Xác định 3 nguyên nhân cháy nổ xe

Chiều 12-11, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Báo cáo một số kết quả nghiên cứu của đề án xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy”.

Đây là đề án nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước do Bộ Giao thông Vận tải, Bộ KH&CN, Bộ Công thương cùng nhiều cơ quan nghiên cứu thực hiện nhằm xác định các nguyên nhân kỹ thuật gây cháy xe.

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án là xác định nguyên nhân gây cháy ô tô, xe máy liên quan nhiên liệu và phụ gia.

PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Lọc hóa dầu cho biết, để thực hiện nội dung trên, các nhà khoa học đã thu thập 40 mẫu xăng từ thị trường, xe bị cháy, cây xăng mà chủ phương tiện có xe cháy thông báo.

Kết quả đã chứng minh, thực tế khi pha trộn xăng A83 vào A92, các phụ gia methanol, ethanol, amin thơm đã bị lạm dụng làm tăng trị số octan của xăng.

Từ thực tế này, các nhà khoa học tiến hành giả định các trường hợp xăng bị pha phụ gia giống như trên thực tế và phân tích tác động đến nguy cơ cháy nổ của xe.

Kết quả cho thấy, xăng bị các chất phụ gia như methanol, ethanol, các amin thơm đẩy nguy cơ cháy nổ ô tô, xe máy tăng rất cao. Nhiều nguy cơ bây giờ mới được biết đến.

Cụ thể, theo bà Hà, xăng pha các phụ gia trên sẽ dẫn đến hình thành các màng polymer làm tắt bơm xăng, vòi phun, làm trương nở cao su và các vật liệu polymer khi các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu.

Bên cạnh đó tạo ra nhiều bồ hóng và muội than khiến động cơ tăng nhiệt lên rất cao, làm nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu.

Đáng chú ý hơn, xăng pha phụ gia trên dẫn đến hình thành các oxit sắt và mangan, dẫn đến làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác dẫn đến trục trặc động cơ, làm tăng nhiệt độ của động cơ và tăng nguy cơ gây cháy.

Thời điểm bùng nổ cháy xe vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, qua khảo sát, trùng với thời điểm số lượng xe máy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đến bảo dưỡng do trục trặc bugi tăng đột biến. Như thế càng củng cố hơn giả thiết xăng rởm làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Xăng rởm còn dẫn đến hình thành các hợp chất FeS trong muội ở ống xả xe - thủ phạm khiến xe bùng cháy dữ dội khi gặp nhiệt độ cao.

Ở nhiệt độ 37oC, mẫu muội ở ống xả không chứa FeS sẽ không bắt cháy nhưng nếu có FeS thì lập tức sẽ bùng cháy mãnh liệt. Các mẫu muội lấy từ các tỉnh lẻ có nguy cơ chứa FeS cao hơn hẳn Hà Nội và TP HCM, bà Hà nói.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho rằng, như thế không còn phải tranh cãi nữa, kết quả thực nghiệm đã chứng tỏ các giả thiết xăng pha methanol, ethanol, amin thơm gây cháy xe là hoàn toàn có thực

Khẩn trương loại bỏ xăng A83

Theo Thống kê của Cục Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Bộ Công an), từ đầu năm 2012 đến 30-8-2012, có 93 ô tô và 74 xe máy bị cháy. Số lượng cháy đột biến vào cuối năm 2011, đầu năm 2012. Thời gian gần đây, số phương tiện bị cháy có giảm.

Để hạn chế tình trạng cháy nổ xe cơ giới, các nhà khoa học đề xuất phải khẩn trương loại xăng A83 ra khỏi thị trường đồng thời kiểm soát chặt chẽ nhiên liệu để chống việc lạm dụng phụ gia khi gian lận xăng.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị phải kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến dầu nhờn, dầu thải, cặn dầu để pha chế thành nhiên liệu.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, xăng dầu nhập khẩu chính ngạch đảm bảo 100% về chất lượng, song thực tế xăng rởm vẫn có, vẫn lưu hành trên thị trường. Vì thế, Bộ KH&CN đang xây dựng đề cương quản lý chất lượng.

“Hiện nay, việc quản lý chất lượng xăng dầu đang bị đứt đoạn ở đoạn cuối. Chúng tôi đang lấy ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện đề cương này”.

Vẫn theo ông Vinh, Bộ KH&CN cũng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu đồng thời xem xét về quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia về xăng dầu để phù hợp với yêu cầu an toàn.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho hay, hiện vẫn trong giai đoạn đánh giá tác động của việc loại xăng A83 đối với các xe sản xuất trước năm 1990 và các ghe thuyền ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, chưa thể loại ngay xăng A83 ra khỏi thị trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho hay, các kết quả công bố nguyên nhân cháy xe này là kết quả ban đầu, nhóm thực hiện đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để đến tháng 11-2013 có thể đưa ra những khuyến cáo đầy đủ và khoa học đối với nhân dân trọng việc hạn chế cháy nổ ô tô, xe máy.

Các nghiên cứu về dung dịch tiết kiệm xăng cho thấy, các sản phẩm này không giúp đạt hiệu quả tiết kiệm như quảng cáo nhưng lại làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.