Động đất mạnh nhất từ trước tới nay

Động đất mạnh nhất từ trước tới nay
TP - 14h24 phút hôm qua (15–11), động đất mạnh 4,7 độ richter đã xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 khiến nhiều huyện, thành của Quảng Nam và Quảng Ngãi rung chuyển mạnh. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay.

> Người dân nháo nhào vì động đất cực mạnh ở thủy điện Sông Tranh
> Động đất cực mạnh, toàn huyện Bắc Trà My, TP Tam Kỳ rung chuyển

Người dân Bắc Trà My đổ ra đường chạy động đất ngày 15 - 11 Ảnh: Nguyễn Thành
Người dân Bắc Trà My đổ ra đường chạy động đất ngày 15 - 11. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Nam: Không tin chỉ có 4,7 độ richter

Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,35 độ vĩ bắc, 108,10 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 6 km.

 Bây giờ bản thân tôi còn không dám tin, không an tâm huống chi là dân. Động đất mạnh kiểu này làm sao tuyên truyền, an dân cho được!”. 

Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đánh giá động đất gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Động đất mạnh dữ dội khiến nhà cửa rung lắc mạnh hơn những lần trước, kèm theo những tiếng nổ lớn, vang rền khiến ai cũng hoảng sợ”.

Vào thời điểm trên, huyện Bắc Trà My đang diễn ra cuộc họp, vì động đất mạnh và kéo dài hơn 10 giây nên toàn bộ cán bộ nháo nhào chạy ra khỏi trụ sở huyện vốn nứt nẻ từ những trận động đất trước.

Ngay sau đó, ông Phong cùng lãnh đạo huyện và các ban ngành thành lập các tổ công tác khẩn cấp đi kiểm tra tình hình tại các khu vực bị ảnh hưởng và hiện trường thủy điện Sông Tranh 2.

Toàn bộ các trụ sở công cộng, trường học, công trường xây dựng, nhà dân đều hỗn loạn, dân, học sinh và thầy cô giáo tháo chạy ra những khu vực đất trống.

Cả tiếng đồng hồ sau, nhiều khu bãi trống vẫn còn đông người, mặt mày thất thần, nhiều người dân vẫn chưa dám quay vào nhà và trở lại phòng làm việc.

Ông Nguyễn Thế Tài – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, cho biết trận động đất này làm người dân khá bất ngờ và lo sợ đến tột độ vì mới cách đây mấy hôm, họp Quốc hội người dân và lãnh đạo huyện nghe nói đập an toàn, người dân hãy an tâm.

“Bây giờ bản thân tôi còn không dám tin, không an tâm huống chi là dân. Động đất mạnh kiểu này làm sao tuyên truyền, an dân cho được!”, ông Tài nói.

Nhà người dân bị nứt vì động đất
Nhà người dân bị nứt vì động đất.

Mặc dù Viện Vật lý địa cầu thông báo trận động đất mạnh 4,7 độ richter, nhưng nhiều lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho rằng, cường độ trận động đất rất mạnh và mạnh hơn trận 4,6 độ richter ngày 22–10 rất nhiều.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nhận định: “Ngay cả ở thành phố Tam Kỳ, các huyện ở xa và thậm chí thành phố Đà Nẵng cũng có thể cảm nhận được rung chấn thì khó tin là chỉ dừng ở con số 4,7 độ như thông báo”.

Do ảnh hưởng của động đất, ngôi nhà của anh Võ Văn Năm, thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn (Bắc Trà My) ngói trên mái nhà rơi xuống nền vỡ vụn, các đòn tay, rui mè cũng bị tụt ra khỏi mối nối của tường.

Ông Lê Đình Trung- Bí thư xã Trà Sơn, cho biết: Một số hộ dân ở thôn Mậu Long đã bỏ nhà cửa để lên núi gần đó để lánh nạn từ sau trận động đất 4,6 độ.

Chúng tôi đã ra sức thuyết phục nhưng họ vẫn không chịu quay về nhà ở. Mà cứ tiếp tục động đất như thế này thì đúng là không ai còn dám ở trong nhà nữa. Toàn bộ thôn Mậu Long có trên 150 hộ thì hầu hết đã bỏ lên khu vực núi thuộc Đội 2 để làm lán trại ở tạm tránh nạn.

Ông Phùng Văn Huy - Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, thừa nhận: “Vào khoảng 14h 24 phút thì toàn huyện bị rung lắc dữ dội, kèm theo tiếng nổ lớn từ lòng đất. Người dân hoảng loạn tháo chạy ra khỏi nhà. Chưa bao giờ động đất lại mạnh rõ ràng đến vậy”.

Chị Nguyễn Thị Thùy, cán bộ Ban tuyên giáo huyện ủy Phú Ninh cũng cho biết: Lần đầu tiên Phú Ninh cảm nhận rõ động đất. Trận động đất kéo dài khoảng 15 giây. Tất cả mọi người đều hoảng loạn chạy ra khỏi cơ quan để phòng tránh tai nạn.

Ngói nhà anh Năm đã bị rơi vỡ do động đất
Ngói nhà anh Năm đã bị rơi vỡ do động đất.

Miền núi Quảng Ngãi: Như có tàu lửa đi bên cạnh! 

Tại các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi cũng bị ảnh hưởng bởi dư chấn này. Ông Thường – cán bộ viễn thông huyện Trà Bồng cho biết khi ngồi trên ghế tại cơ quan, nghe tiếng rùng rùng như xe lu, tàu lửa chạy bên cạnh.

Ông Đỗ Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, kể: Đang ngồi họp tại huyện, thì nghe rung chuyển cả trụ sở. Ngôi nhà 3 tầng của UBND huyện Tây Trà cũng rung rinh.

Chưa có bao giờ ở đây bị dư chấn động đất rung dữ dội và lâu như vừa rồi. Còn tại trung tâm thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), nhiều người dân cảm nhận trận động đất mạnh nhất cho biết dư chấn rung lắc kéo dài khoảng 10 giây và sau đó mọi thứ đã trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Sau khi xảy ra động đất, huyện đã có báo cáo gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, chỉ đạo Sở KH&CN và chính quyền huyện Bắc Trà My đánh giá thiệt hại, báo cáo lên cấp trên để có các biện pháp hỗ trợ cho người dân”.

Vỡ hồ nuôi cá

Vào khoảng 21 giờ 30 phút tối ngày 14-11, hồ nuôi cá quy mô lớn tại trang trại của ông Hồ Thanh Hà thuộc thôn 2 xã Trà Giang (Bắc Trà My) đột nhiên bị vỡ ngang giữa bờ đập.

Ông Hà kể: “Lúc đó tôi đang nghỉ ngơi trong chòi canh cá gần đó bỗng nghe mặt đất rung chuyển, tưởng đâu động đất mạnh liền bỏ chạy ra ngoài thì phát hiện bờ đập bị đứt ngang, nước chảy tuôn như thác”.

Hồ nuôi cá của ông Hà có quy mô khá lớn, diện tích mặt nước rộng hơn 1 hecta, như một công trình thủy lợi nhỏ. Hơn 3 tấn cá các loại như cá chép, mè, trắm cỏ, ba ba đang đến thời kỳ thu hoạch đều bị trôi toàn bộ.

Kỳ lạ động đất Sông Tranh

Trả lời Tiền Phong chiều qua, PGS.TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý VN tâm sự giờ thì nhà khoa học cũng bối rối chẳng thế nói gì nữa. Động đất kích thích ở Sông Tranh 2 đang diễn ra theo một xu thế kỳ lạ.

Kỳ lạ bởi trước đó nơi đây chưa từng xảy ra động đất, kỳ lạ bởi động đất dồn dập, không theo bất cứ một xu thế nào cả.

“Giờ chỉ biết chờ thôi, mọi trấn an, mọi dự đoán ở thời điểm này đều là thiếu cơ sở”, ông Triều nói. Nhiều nhà khoa học khác, trước đây nói dân có thể yên tâm thì giờ lắc đầu “ phải chờ đợi, phải theo dõi tiếp”.

Tỉnh ủy Đồng Nai kiến nghị không xây dựng thủy điện 6 và 6A

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai vừa có báo cáo kiến nghị Bộ Chính trị cho ý kiến thống nhất, quyết định không đầu tư xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Theo đó, Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng nếu triển khai xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ góp phần tăng nguồn điện cho quốc gia, tuy nhiên sẽ phải đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường trước được về môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ lưu.

Nếu triển khai xây dựng công trình thuỷ điện trên thì hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ chịu nhiều tác động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.