Thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế: Áp dụng từ 1-7-2013

Thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế: Áp dụng từ 1-7-2013
TP - Hôm qua, thảo luận sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đa số đại biểu Quốc hội (QH) đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế lên 9 triệu đồng, người phụ thuộc 3,6 triệu đồng và áp dụng từ 1- 7- 2013.

> Thu nhập từ 12,6 triệu đồng mới phải đóng thuế nếu có người phụ thuộc
> Nữ Đại biểu 8X 'hâm nóng' Quốc hội nói gì?
> Hơn một triệu người phải nộp thuế thu nhập

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, mức khởi điểm tính thuế TNCN 9 triệu và mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người là phù hợp trong tình hình hiện nay. Ông Thành cũng đồng tình quy định giao Chính phủ điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động 20%.

Về thời điểm thực hiện, theo ĐB này nên từ 1-7-2013. “Việc Chính phủ thống nhất phương án tăng lương cơ bản từ 1-7-2013 là một nỗ lực rất lớn trong cân đối ngân sách.

Nếu thực hiện luật sửa đổi ngay từ đầu năm 2013 sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, phương án này sẽ khiến giảm nguồn thu gần 6.000 tỷ đồng, cộng với 20.000 tỷ bố trí cho tăng lương thì rất khó khăn cho ngân sách.”- ông Thành nói.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nhận định, các mức GTGC 9 triệu và 3,6 triệu đồng là tương đối hợp lý. Điều này sẽ bù đắp một cách khó khăn của người làm công, ăn lương.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng chia sẻ, nếu điều chỉnh như dự thảo sửa đổi thì mục tiêu của thuế TNCN đã bị giảm sút, quay về trước mức luật này được ban hành.

“Đây là bước thụt lùi, nhưng thụt lùi cũng vẫn phải làm”- ông Kiêm nhận định và đưa ra 3 đề nghị: Có chính sách hỗ trợ những người thu nhập thấp; Tăng cường kiểm soát các khoản TNCN. Hiện nay, việc kiểm soát thu nhập rất yếu và không hết. Nhiều khoản thu nhập không bị đánh thuế. Ngoài ra, tiếp tục khống chế, quản lý chặt chẽ việc tăng biên chế để giảm chi, tăng thu ngân sách. Đây cũng là một yếu tố để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ, ý thức, trách nhiệm đóng góp của mỗi công dân đối với xã hội.

Nên bỏ bớt bậc thuế

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề xuất, bỏ bớt bậc 7 trong biểu thuế suất. Ông Lịch đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, nếu bỏ mức thuế suất 35% thì thất thu bao nhiêu để cân nhắc.

Thực tế, để bậc này thì thu không nhiều, nhưng gây cảm tưởng Việt Nam thuế cao, khó cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư, thu hút nhân lực cao cấp vào Việt Nam làm việc. “Tôi thiết tha đề nghị cân nhắc kỹ. Nếu như bỏ bậc thuế này mà không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thì nên bỏ”- ông Lịch nói.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, luật này cần tính tới thực hiện các chính sách nhà nước đang khuyến khích. Ví như chính sách khuyến khích mỗi gia đình chỉ có 2 con.

Do vậy, chỉ có 2 con phụ thuộc là được chấp nhận GTGC. Những người nộp thuế sẽ tính toán, có đủ điều kiện kinh tế mới suy nghĩ đến việc sinh con thứ ba.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số các đại biểu QH thống nhất với mức chịu thuế nâng từ 4 triệu lên 9 triệu cho cá nhân người nộp thuế và mức GTGC cho mỗi người phụ thuộc nâng từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng.

Về thời điểm, đa số các đại biểu thống nhất nên áp dụng từ ngày 1-7-2013 và kéo dài thời gian gia hạn miễn giảm thuế TNCN cho đến thời điểm luật có hiệu lực thi hành.

Giám sát chặt chẽ các khoản chi cho DNNN

Sáng 15-11, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2013.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 519.836 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

QH yêu cầu Chính phủ sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và không có bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp (DN), nhất là của DN nhà nước, bảo đảm khả năng trả nợ, sử dụng vốn hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, việc bố trí cho Tập đoàn Dầu khí VN 1.600 tỷ đồng được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) và mức bố trí này thấp hơn nhiều so với mức bố trí các năm trước.

Khoản bố trí cho Tập đoàn Điện lực VN 238 tỷ đồng là để đưa điện về thôn, bản, đồng bào dân tộc nghèo. Khoản chi cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN 25,2 tỉ đồng nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích…Để khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị các cơ quan của QH giám sát chặt chẽ các khoản kinh phí trên.

l Sáng 15-11, QH cũng thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013. Theo đó, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013), QH sẽ giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006- 2012”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.