Đề phòng Cty nước ngoài tháo chạy sau khi gây ô nhiễm

Đề phòng Cty nước ngoài tháo chạy sau khi gây ô nhiễm
TP - Đó là ý kiến của đại diện HĐND tỉnh Phú Yên sau khi trực tiếp giám sát việc phục hồi môi trường ở mỏ sắt Phong Hanh (thuộc Cty TNHH Luyện kim Sơn Giang - 100% vốn Trung Quốc) tại xã An Định, huyện Tuy An mới đây.

> Thu hồi hai giấy phép đầu tư của Cty Trung Quốc
> Cty Trung Quốc muốn khôi phục mỏ sắt Phong Hanh

Tại hiện trường mỏ sắt Phong Hanh, dù trời nắng, nhưng không có bất cứ phương tiện nào vận chuyển bùn trong hồ hoặc san ủi hoàn thổ mặt bằng để trả lại trạng thái an toàn khu vực này. Chỉ có lác đác vài công nhân đang tháo dỡ toàn bộ thiết bị tuyển quặng sắt.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Phó trưởng Ban VH-XH (HĐND tỉnh), cho biết: Cty TNHH Luyện kim Sơn Giang đổ lỗi do trời mưa nhiều nên chậm khắc phục môi trường. Nhưng ở đây cho thấy việc doanh nghiệp thu dọn thiết bị để “tẩu tán” đi nơi khác. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý, nếu Cty này có dấu hiệu “bỏ chạy”.

Được biết, Cty TNHH Luyện kim Sơn Giang được tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác mỏ sắt Phong Hanh từ năm 2007 đến 2011.

Tháng 8-2012, UBND tỉnh ký quyết định đóng cửa mỏ. Đồng thời buộc Tổng GĐ Cty là ông Zhu Yue Jin (người Trung Quốc) trong vòng 10 tháng phải phục hồi xong môi trường mỏ sắt này.

Theo đó, diện tích phải phục hồi môi trường là 18 ha/21ha toàn mỏ với tổng khối lượng 800.000m3 đất đá và bùn thải phải san gạt, hoàn thổ, trong đó vận chuyển gấp trên 315.000m3 bùn thải hồ lắng phía Đông, trồng và chăm sóc cây xanh trong vòng 2 năm…, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN&MT Phú Yên, đến nay, Cty TNHH Luyện kim Sơn Giang chỉ mới vận chuyển bùn thải được 23.000m3 (5,4% kế hoạch), trồng trên 12.000 cây xanh...

“Thực tế giá trị khối lượng hoàn thổ hiện nay phải tới 18 tỷ đồng, nhưng năm 2005, Cty TNHH Luyện kim Sơn Giang mới ký quỹ phục hồi môi trường có 2,2 tỷ đồng. Do vậy, khó có thể kiểm soát được việc Cty này có đầu tư xử lý môi trường theo quy định hay không”, ông Lộc nói.

Theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, hiện túi bùn thải hơn 6,4ha phía đông mỏ ở độ cao 5-7m đang “treo” trên đầu dân.

Còn bãi thải phía Tây, không có đê bao nên rất dễ vỡ trùm lên nhà cửa, ruộng vườn. Chưa kể đất cát làm lấp mương thoát nước, giảm dòng chảy đập thủy lợi Tiên Tấn, khiến 17 ha đất sản xuất của dân nguy cơ bị bỏ hoang.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG