Những người đàn bà gánh cá ngừ đại dương

Những người đàn bà gánh cá ngừ đại dương
TP - Tại cảng cá Đà Rằng (phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), có trên 100 chị em chuyên nghề vác cá ngừ đại dương. Nhiều chị đã vác cá gần 30 năm, trước khi truyền nghề cho con cháu.

> Ngư dân trúng lớn
> Khai thác cá ngừ đại dương: Bấp bênh

Mẹ truyền con nối

Buổi sáng một ngày cuối tháng 11, lần lượt 4 tàu câu cá ngừ đại dương từ Trường Sa trở về cập cảng, mỗi tàu chở khoảng 1,7 tấn cá ngừ đại dương.

Chị em bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc. Bà Nguyễn Thị Xem (58 tuổi), người gắn bó với nghề gánh cá đã trên 30 năm, cho biết các chị em ở đây có độ tuổi rất khác nhau, từ 18 đến 70, làm việc theo tổ đội, dưới sự dẫn dắt của Nghiệp đoàn nghề cá phường 6.

Chị Nguyễn Thị Ny (27 tuổi) nói: “Chúng tôi làm việc rất tự giác, đúng giờ đúng giấc, không ai nghỉ, nếu nghỉ sẽ phải cử người ra thay”.

Tại cảng cá có 3 tổ nữ bốc vác, mỗi tổ khoảng 20-30 người. Mọi người trực tại cảng, bốc vác cá ngừ từ tàu lên điểm tập kết mổ cá. Ny vừa vào nghề được 5 năm, cho biết, chị tiếp quản nghề này từ mẹ mình. Một lần, bà gánh cá quá nặng nên bị trẹo sườn, thế là truyền lại chỗ làm cho con gái để kiếm sống.

Trời nắng như đổ lửa. Những đôi chân đàn bà buộc chặt bao vải tránh thấm nước từ cá, chạy thoăt thoắt, ướt đẫm mồ hôi.

Hậu cần nghề cá

Đội quân tóc dài sẵn sàng trên bờ chờ cá
Đội quân tóc dài sẵn sàng trên bờ chờ cá .
 

Chị Nguyễn Thị Mộng My đã 35 năm làm nghề bốc vác cá ngừ đại dương tại cảng cá phường 6: “Không thể thiếu chị em tui được. Cả chủ tàu lẫn lao động cứ cập bờ là ngồi gác chân uống nước, mọi việc còn lại để con cá thành tiền là nằm trên tay bọn tui hết”.

Theo chị, hàng trăm gia đình khó khăn như chị được các chủ tàu trả lương hàng ngày để duy trì cuộc sống nên hầu như chị em ở đây đã xác định được trách nhiệm của mình: làm việc hăng say, nhận thù lao xứng đáng, đảm bảo miếng ăn cho gia đình cả khi khó lẫn khi no đủ.

Chị My bắt đầu công việc tại cảng cá từ 6 giờ sáng, đến 8 giờ đêm mới về nhà. Chị có được 50-80 ngàn để mang về lo cái ăn cho chồng con.

Chồng chị My bị mù lòa, gia đình không có nguồn thu nào khác nên mọi gánh nặng đều đè trên vai người phụ nữ gầy yếu này.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, ông Phan Thuẫn,cho biết: “Cảng cá phường 6 có hơn 400 tàu cá chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương có chất lượng.

Nguồn cá cập cảng đều đảm bảo chất lượng tốt nhất, mức giá cũng hậu hĩnh nhất so với các cảng cá dọc miền Trung. Cho nên, theo sau con cá ngừ đại dương có hàng trăm hộ gia đình khó khăn khác kiếm được cái ăn từ đó”.

Theo ông Thuẫn, tại phường 6 đã có Nghiệp đoàn nghề cá ngừ đại dương, có tổ đội liên kết bám biển. Trên bờ có tổ đội liên kết bốc vác “tóc dài”, tổ đội chuyền hàng xe thồ… mọi lứa tuổi, giới tính ra cảng cá mưu sinh đều có một trật tự việc làm ổn định, có thu nhập chính đáng.

“Mỗi con cá chị em vác trên vai được trả công từ 8-10 ngàn đồng tùy loại to nhỏ. Tiền chi đó lại không thuộc vào người mạnh hay yếu mà tính theo đầu con cá, cộng lại và chia đều cho mỗi người sau khi cá đã nằm gọn trên xe đông lạnh”, ông Phan Thuẫn cho biết thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.