Cay đắng với hụi

Cay đắng với hụi
TP - Chợ Hòa Cường (Hải Châu, Đà Nẵng) những ngày này vắng hoe, chị em tiểu thương nhao nhác tụ tập đến nhà chủ hụi Nguyễn Thiên Trang đòi nợ, bỏ mặc các ki ôt không người trông coi. Vỡ hụi, chuyện không mới nhưng sao nhiều người vẫn mù quáng lao theo?

> Dựng ảnh thắp hương tế sống chủ hụi
> Dân bao vây nhà chủ hụi 'ôm' hàng chục tỷ đồng

Chùi nhà vệ sinh, ngày 3 chục cũng chơi

Bà L. đóng mở cửa nhà vệ sinh chợ Hòa Cường, nửa e dè, rồi năn nỉ: Giấu tên tui đi chú ơi, làm ơn đừng chụp ảnh. Bà L. là nhân viên lau chùi, thu tiền cước ở nhà vệ sinh chợ mỗi khi ai có nhu cầu “khó nói”.

Bà kể, mỗi ngày, nhiều thì được hơn 4 chục, còn lại trung bình cứ khoảng 25-30 ngàn, tạm đắp đủ qua ngày. Rồi sau đó, ai thuê gì làm nấy. Rồi từ đầu năm đến nay, làn sóng chơi hụi của tiểu thương ở chợ cuốn cả bà L. theo, của nả để dành mấy chục năm nay, tiền con cái cho gom góp được, bà chơi tất. Bây giờ thì bà trắng tay, tiểu thương bỏ sạp đến nhà chủ hụi Trang quậy phá đòi tiền, bà thì không thể rời được cái nhà vệ sinh.

Lúc đầu, số góp ít, độ mấy trăm ngàn, chị Bê (tiểu thương, người gom hụi) căn ngăn, nhưng sau đó, lên chừng chục triệu thì, lấy lãi tươi 600 ngàn/tháng thì bà quyết chơi. “Đưa hai chục triệu, tiền đó vẫn của mình, được triệu hai một tháng, ngu gì không chơi chú. Rứa mà ai ngờ”.

Các nạn nhân ở chợ Hòa Cường cho hay, bà L. là người chơi hụi góp ít nhất, song lại là một trong những người thua đau, đáng thương nhất.

Chị Hoa (bán hoa quả), thở dài: “Tội nghiệp bà L, được bao nhiêu góp đủ, mới lấy lãi 2 tháng đầu, xông xênh tính nghỉ quản lý toa lét, giờ chịu rồi”.

Theo chị Hoa, khoảng 230 tiểu thương ở chợ dính vào Trang, kẻ ít người nhiều. Trong số này, có khoảng vài chục người, do kinh nghiệm từ 2 vụ vỡ hụi trước đó ít lâu, nên đòi Trang rất rát, được trả chút đỉnh.

Chị Hoa tham gia 400 triệu, mất trọn 2 tuần bám theo Trang, năn nỉ có, dọa dẫm có mới được trả 250 triệu, giờ mới yên tâm dọn hàng trong khi tất thảy phải bám trụ ở nhà Trang.

Rồi chị Hoa liệt kê hàng chục tên tiểu thương, từ người bán hoa quả, vải vóc, điện tử, thịt heo, cá..., ai cũng trong cảnh chạy chợ, không thuộc hàng dư giả

Vòng xoáy của tiền

Quá cũ để nói những chiêu bài của chủ hụi, nhưng tránh được hay không lại là một chuyện. Bà Phan Thị Yến (Hòa Cường Bắc), mếu máo: “Hơn 1 tỷ đồng tiền hàng, dồn vào nó mấy tháng nay, nợ chủ hàng ở chợ Cồn, nó đi tui cũng muốn chết quách luôn đi cho rồi”.

 Bao vây nhà chủ hụi Trang. Ảnh: Nam Cường
Bao vây nhà chủ hụi Trang. Ảnh: Nam Cường.

Bà Yến cùng hơn 200 người mấy ngày nay túc trực trước nhà Trang, ném hoa quả, cà chua, dưa hấu be bét trước cổng, đưa cả ảnh, thắp hương tế sống chủ hụi Trang trong nỗi bức xúc tột cùng. Trang vẫn bặt vô âm tín.

Bà Trần Thị Xê, kể: Hơn 2 tuần trước, nó còn leo lẻo, nhà em đó, 4 tầng, mặt tiền khu VIP, chạy đi đâu mà sợ. Nghĩ nó đang kinh doanh khó khăn, để thư đến hạn chót ngày 31/12, ai ngờ nó bùng nhanh quá. Hỏi biết Trang kinh doanh gì mà ôm ba chục tỷ, trả lãi mỗi tháng gần 2 tỷ đồng? Bà Xê lắc đầu không biết. Một bác cựu chiến binh hỏi: Không biết sao chơi? Tất thảy đồng loạt: Lãi cao, thấy tiền ai không ham.

Bà Trần Thị Thu Trâm (con hụi đóng 700 triệu), hối hận: Tiền lãi nó làm mờ mắt, khi gửi tiền, Trang cắt ra, trả lãi ngay luôn, chị em xuề xòa, nghĩ chỗ thân tình, chẳng cần giấy tờ gì, nói với nhau câu là xong. Giờ cũng không có chứng cớ gì để mà đòi.

Khổ nhất trong vụ vỡ hụi ở Hòa Cường Bắc lần này vẫn là những người hàng xóm của ngôi nhà 189 Hàn Thuyên.

Khu phố giàu có này xưa nay yên tĩnh, được xem là khu văn hóa, nay ngày nào cũng ầm ào, cãi lộn, quậy phá chan chát.

Bác cựu chiến binh, hàng xóm tặc lưỡi: Khổ cho bà mẹ Trang, phải bỏ nhà đi nơi khác, bởi cho con ở nhờ giờ mới ra nông nỗi này. Ở gần, tôi biết tính mẹ con nhà này, làm ăn gì thua sạch rồi, không còn khả năng trả mới trốn, chứ có thì họ chẳng phải để người ta tế sống như thế. Rối bác kết luận: Chung quy cũng bởi lòng tham.

Một vụ vỡ hụi tiền tỷ đang làm khốn đốn mấy chục hộ dân ở ấp 6, 7, 8 của xã Thuận Hưng (Long Mỹ, Hậu Giang), một vùng quê nghèo. Bà Thái Thị Phượng ở ấp 8, làm chủ 15 dây hụi với khoảng 400 chân hụi (người chơi nhiều nhất là gần 60 chân), hụi đóng hằng tháng, một lần từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Trưởng ấp 8 Châu Văn Dũng cho rằng, biết bà Phượng làm chủ hụi nhiều năm nay nhưng “không thuộc hội viên các chi hội, tổ hội nào nên không quản lý được”, khi vợ chồng bà biến mất “ai cũng giật mình”.

Bà Phượng không tham gia hội quần chúng nào nhưng mấy chục người chơi hụi thì có, đủ hội phụ nữ, nông dân…Nhưng cũng giống như nhiều vùng quê khác, hội quần chúng có nhiều và theo báo cáo là đã tập hợp được tỷ lệ hội viên rất cao, nhưng hầu hết đều “bị bất ngờ” trước tai họa hụi hè (và nhiều tai họa khác), rất ít khi chủ động phát hiện, ngăn ngừa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.