Quy định về vai trò của kiểm toán chưa đúng tầm

Quy định về vai trò của kiểm toán chưa đúng tầm
TP - Trao đổi với Tiền Phong về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được lấy ý kiến nhân dân, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc bổ sung quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp là vô cùng cần thiết.

> Quy định một số quyền dân chủ trực tiếp
> 'Chống tham nhũng không tới sẽ bị 'đánh trả'

Luật hiện hành quy định KTNN chỉ là “cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước” là chưa đúng tầm với cơ quan này trong quản trị nguồn lực quốc gia.

Địa vị chưa đúng tầm

Thưa ông, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN ra sao?

Trong hoạt động kiểm toán, tính độc lập là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, tính độc lập và địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN phải được xác định trong Hiến pháp.

Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp đã dẫn đến những quy định về KTNN thiếu tính ổn định, chưa tương xứng và nhận thức chưa đúng về vai trò của KTNN trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu QH đã nêu trong quá trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp “để chống tham nhũng tốt thì quốc gia nào cũng buộc phải xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả

Hơn nữa, sự thiếu tương thích giữa Luật KTNN với những Luật về tổ chức, bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Phòng chống tham nhũng, cũng là nguyên nhân của hạn chế hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Cũng phải thừa nhận rằng, KTNN chưa tiến hành được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề với các nội dung đ­ược xã hội quan tâm, chất lượng kiểm toán có mặt còn giới hạn...

Trên thế giới, KTNN có chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia, trong khi Luật KTNN hiện hành quy định: “KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước...” có gây ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của KTNN, thưa ông?

Luật KTNN quy định KTNN chỉ là “cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước” quả thật “chưa đúng tầm” đối với cơ quan KTNN trong quản trị nguồn lực quốc gia như các nước trên thế giới đã quy định, nhất là trong điều kiện đất nước ta đang đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Luật KTNN quy định: “Tổng KTNN do Quốc hội (QH) bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ”.

Trong khi cả Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức Chính phủ đều không có nội dung nào quy định về vấn đề này. Chính vì vậy dẫn tới nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa thật đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng về vị trí pháp lý, tổ chức, hoạt động KTNN và địa vị pháp lý của KTNN.

Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH giao, KTNN đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Một số nội dung liên quan chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực kiểm toán cũng được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến sẽ được luật định cụ thể.

Sẵn sàng trả lời chất vấn trước QH

Một số đại biểu QH cho rằng, vị trí pháp lý của Tổng KTNN rất chơi vơi. Tổng KTNN không hề giống một chức danh nào QH bầu hoặc phê chuẩn ở vị trí tương đương như bộ trưởng hoặc cao hơn, đó là: Không có quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn trước QH. Đây có phải là một cản trở lớn cho cả đại biểu QH và cả Tổng KTNN?

Trong các kỳ họp QH, để thực hiện nhiệm vụ của mình, QH rất cần làm rõ các vấn đề liên quan quá trình quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực nhà nước tại các tập đoàn, tổng Cty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được nêu ra trên nghị trường, trong quá trình chất vấn cần được thảo luận và trao đổi làm rõ để đi đến các quyết định về chủ trương chính sách, pháp luật... Theo kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; kiểm toán báo cáo tài chính các tập đoàn, tổng Cty và DNNN...

Do vậy, QH, Chính phủ có thể có được một sự khẳng định, một trả lời chính thức từ cơ quan kiểm toán mà người đứng đầu là Tổng KTNN và chịu trách nhiệm về “kiểm tra, đánh giá, xác nhận” các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thực tế, các quy định hiện tại của pháp luật chưa quy định quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn trước QH của Tổng KTNN mà mới chỉ ở hình thức cung cấp Báo cáo kiểm toán NSNN hằng năm, Báo cáo ý kiến, Báo cáo cung cấp thông tin cho các đại biểu QH.

Nhiều vấn đề cần truyền tải các thông tin về công tác quản lý, điều hành ngân sách, vốn và tài sản nhà nước tại các địa phương có liên quan chuyên môn kiểm toán nhưng mối quan hệ công tác của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan dân cử ở địa phương cũng chưa được luật hóa mà mới chỉ ở mức độ Quy chế phối hợp giữa các bên.

Rõ ràng đây chính là các trở ngại đáng kể cho QH, đại biểu QH trong việc thực hiện các chức năng của mình là xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát tối cao.

Nếu được quy định rõ trách nhiệm của Tổng KTNN là: Hằng năm báo cáo hoạt động và kết quả kiểm toán trước QH; trả lời chất vấn của đại biểu QH, ông có sẵn sàng?

Tìm hiểu hoạt động thực tế sinh động từ các nghị viện trên thế giới, từ thực tế Việt Nam và để khắc phục hạn chế nêu trên, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này, liên quan các nội dung đề cập đến địa vị pháp lý của Tổng KTNN, QH và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã trao đổi, xem xét vấn đề và trình dự thảo phương án “Tổng KTNN báo cáo công tác trước QH; trong thời gian QH không họp báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ QH”.

Nếu nội dung này được thông qua sau khi xin ý kiến nhân dân thì trách nhiệm của Tổng KTNN trước nhân dân, Đảng, QH và Chính phủ được nâng lên.

Được giao phó trách nhiệm Tổng KTNN, tôi ý thức và xác định được sự tin tưởng của nhân dân, Đảng, Nhà nước với mình, sát cánh cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ của KTNN hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẵn sàng báo cáo trước QH, trả lời các vấn đề QH yêu cầu với một tinh thần gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, đạo đức lối sống, sát sao trong chỉ đạo điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn.

Để tăng cường vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông cần bổ sung những quy định pháp luật gì?

Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu QH đã nêu trong quá trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp “để chống tham nhũng tốt thì Quốc gia nào cũng buộc phải xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả”.

Để có thể làm được điều này, trước hết phải thực hiện các giải pháp hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng; hạn chế các kẽ hở của pháp luật trong các hoạt động quản lý, điều hành, thực thi.

Nội dung các quy định của pháp luật cũng cần phải mạnh mẽ, cương quyết, minh bạch, gắn với trách nhiệm cụ thể hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm với các hành vi tham nhũng, không bỏ sót một ai, không chừa một vùng cấm nào.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG