Sát Tết, quay quắt đợi việc

Sát Tết, quay quắt đợi việc
TP - Kinh tế khó khăn, việc làm ít khiến người lao động (NLĐ) tự do tại các “chợ việc làm” ở Hà Nội đối mặt cảnh thiếu việc triền miên. Năm hết, Tết đến họ mong muốn kiếm chút tiền về quê.

> Nhiều việc làm Tết hấp dẫn lao động
> Nhọc nhằn sinh viên mưu sinh đêm

(ảnh to); Trong số lao động này, nhiều người đã bám gầm cầu Chui kiếm việc hơn 10 năm nay (ảnh nhỏ). Ảnh: Phong Cầm
Trong số lao động này, nhiều người đã bám gầm cầu Chui kiếm việc hơn 10 năm nay. Ảnh: Phong Cầm.

Bằng đại học cũng… bốc vác

Dốc Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội) được mệnh danh “chợ lao động” tập trung người từ đủ mọi miền, từ Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang... Người thâm niên đã bám trụ được 10 năm, người mới nhất cũng được 6-7 tháng.

Theo phản ánh của nhiều người lao động, chưa năm nào ít việc như năm nay, có đợt, nhiều người lao động ngồi chơi xơi nước 5-7 ngày mới có khách thuê.

Ông Nguyễn Văn Tráng, quê Nghệ An, năm nay đã ngoài 50 tuổi. Dù hơn nửa đời người nhưng ông Tráng vẫn ngày ngày “bám” dốc Bưởi mưu sinh. Ruộng đồng ở quê nhờ vợ làm hộ, ông ra Hà Nội lang thang kiếm việc.

Dù năm nay ít việc nhưng mỗi tháng cũng dành được một, hai triệu. Ông Tráng cho biết, con trai út vừa tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội đã theo cha ra dốc Bưởi bốc vác, làm thuê.

“Tưởng tốt nghiệp đại học ra trường có công ăn việc làm ổn định, nhưng vừa đi làm được vài tháng cháu đã bị công ty giảm lương còn 2 triệu nên đành phải bỏ việc ra đây làm thuê” - ông Tráng chán nản.

Cùng cảnh ngộ với con ông Tráng, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), anh Thắng phải lặn lội xuống Quảng Ninh xin dạy hợp đồng.

Ba năm trôi qua, nhưng anh vẫn không ký được hợp đồng chính thức. “Ở “chợ người” này, dù thu nhập bấp bênh, công việc nhọc nhằn nhưng còn có đồng ra đồng vào chứ đi dạy hợp đồng lương không đủ tiêu” - anh tâm sự.

Vội vàng bỏ dở câu chuyện với chúng tôi khi thấy từ xa có một vị khách dừng xe hỏi thuê người, anh Phan Bình (quê ở Nghệ An) tức tốc chạy theo nhưng sau 5 phút đã thất thểu quay lại.

Khách chê anh Bình người nhỏ, sợ không làm được việc. Anh Bình cũng đóng đinh ở dốc Bưởi được 4 năm nay. Anh cho biết, thời gian gần đây công việc rất ít. Có khi 4 đến 5 ngày không có việc. Đứng chán, ngồi chê rồi lại đi bộ về phòng trọ.

Đói quanh năm

Chúng tôi vừa dừng xe tại cầu Chui (Ngõ 1, đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên), một đoàn chừng 15 người liền ùa vào hỏi han: “anh chị cần việc gì, đi ngay được không, giá cả không phải nghĩ”... Gầm cầu Chui từ xưa đến nay được biết đến là điểm tập kết của lao động nghèo đến từ các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Anh Trần Văn Điệp, 28 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định dáng người nhỏ thó. Chiếc áo anh mặc rách rưới, ẩm mốc, các mụn đen nổi lên sờn cả cổ.

Anh Điệp cho biết, nhà chỉ có một mẫu ruộng, năm nào được mùa nhất cũng chỉ thu được gần 20 triệu đồng tiền bán lúa, nhưng mất tới hơn nửa để mua phân bón, giống...

“Ở quê bọn em đói quanh năm nên tranh thủ lên Hà Nội lang thang kiếm việc. Mình mới lên nhưng ở đây đã có người làm 8-10 năm nay rồi. Cũng vì người làm thuê nhiều nên công việc ngày càng khan hiếm, nhất lại vào dịp cuối năm khó khăn này” - anh Điệp chia sẻ.

Thất thểu đợi việc dưới gầm cầu Long Biên. Ảnh: Phong Cầm
Thất thểu đợi việc dưới gầm cầu Long Biên. Ảnh: Phong Cầm.

Tại gầm cầu Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) có khoảng hơn 10 lao động kê đá ngồi đợi việc suốt theo triền đê. Lao động ở đây có cả nam lẫn nữ. Họ chủ yếu đến từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.

Chị Nguyễn Thị Lành (Thái Thuỵ, Thái Bình) cho hay, từ đầu tuần đến giờ chưa có ai thuê mướn. Bụng đói ran mấy ngày vì không có tiền ăn cơm, phải ăn mỳ tôm.

Tại Hà Nội hiện nay, nơi tập trung nhiều lao động tự do nhất chính là ngã tư đường Trần Cung - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Ở đây lúc nào cũng có khoảng gần 20 người thấp thỏm chờ khách.

Cứ mỗi khi có ai đó dừng xe máy, cả đám người đứng phắt dậy, lao đến quây tròn lấy khách. “Chúng tôi như người đi câu, cả ngày hôm nay mới có một bóng khách thì ra giá quá thấp” - chị Hoa (quê Đông Anh, Hà Nội) nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG