Thương lái Trung Quốc tàn sát cây quý đường biên

Thương lái Trung Quốc tàn sát cây quý đường biên
TP - Nghe tin ở tỉnh Hà Giang, nhiều loại cây quý hiếm đang bị thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt, chúng tôi tìm đến đây thì được biết nhiều loài quý hiếm có trong Sách Đỏ VN đã bị khai thác "triệt để”.

> Lâm tặc lại phá rừng pơ mu
> Bảo tồn cây quý hiếm ở bán đảo Cam Ranh

Thài Phìn Tủng là một trong những xã của huyện Đồng Văn từng có nhiều cây thông tre lá ngắn. Loại cây quý hiếm đang bị khai thác ồ ạt để bán cho thương lái Trung Quốc.

Một tháng trước Tết Quý Tỵ, đến nơi đấy hỏi mua cây chư - pẩy - đơ (tiếng Mông của thông tre lá ngắn), chúng tôi nhận được những cái lắc đầu. Một người Mông ngoài bốn mươi tuổi nói: “Giờ không còn nữa đâu. Bên kia (chỉ sang Trung Quốc) trả tiền cao, mua hết rồi. Chặt được một cây thông là có tiền triệu đấy. Đủ ăn cả năm đấy”.

Thông tre lá ngắn được mua nhiều từ đầu năm 2012, rộ nhất là vào khoảng giữa năm. Theo anh Phùng Mý Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Thài Phìn Tủng, cây thông tre lá ngắn từng xuất hiện khá nhiều ở vùng núi đá tai mèo của Thài Phìn Tủng cũng như các xã lân cận của huyện Đồng Văn.

Thương lái Trung Quốc thu mua loại cây này từ vài năm trước nhưng giá khá thấp. Năm 2012, giá thu mua tăng đột biến khiến mọi người ồ ạt khai thác.

“Họ chỉ mua những cây đã trưởng thành. Cây to bằng cái phích là bán được 10 triệu đồng rồi. Cây nhỏ hơn cũng được năm triệu. Mới đây, một cây chư phẩy đơ ở huyện Yên Minh đường kính vài chục cm bán được trăm triệu”, anh Cở nói.

Không chỉ ở Thài Phìn Tủng, các xã lân cận như Sà Phìn, Tả Phìn, Sính Lủng (huyện Đồng Văn) cũng diễn ra cảnh tương tự. Nhiều đối tượng còn ăn trộm thông tre lá ngắn của nhà khác để bán cho thương lái Trung Quốc.

Có gia đình sống trên núi, cạnh nhà có cây thông tre lá ngắn chưa kịp đào thì trộm đã đào mất. Có thời điểm các chuyến xe chở gốc thông tre lá ngắn thường xuyên đi qua quốc lộ 4C trên địa bàn xã.

Không rõ mục đích thu mua

Ban đầu họ dùng ô tô thu mua. Sau khi kiểm lâm vào cuộc, tiến hành bắt giữ thì họ đi vào ban đêm. Kiểm lâm bắt giữ ban đêm thì họ lại dùng xe máy để vận chuyển.

Hiện thông tre lá ngắn đã trưởng thành trên địa bàn xã Thài Phìn Tủng và các xã lân cận gần như không còn nữa. Dẫn chúng tôi đi thực địa trên những ngọn núi đá tai mèo nhọn hoắt của cao nguyên đá Đồng Văn, anh Cở chỉ vào một cây nhỏ trên lưng chừng một ngọn núi: “Chỉ còn những cây nhỏ. Hôm trước có hai cây to vừa bị chặt mất rồi. Giờ cả vùng chỉ còn một cây to duy nhất. Rễ ăn sâu vào đá nên không khai thác được”.

Thu mua thông tre lá ngắn, thương lái chỉ lấy phần gốc rễ cây chừng 30 cm, còn toàn bộ phần thân bị bỏ lại. Anh Phúc, xã Sà Phìn (Đồng Văn), cho hay: “Gốc thông phải sạch sẽ và nguyên vẹn. Nếu vỡ sẽ không được giá”.

Ở Đồng Văn, cây thông tre lá ngắn chỉ mọc ở trên lưng chừng hoặc đỉnh núi đá tai mèo chứ không mọc dưới đất. “Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ lấy gỗ cây để làm củi đốt, cột nhà, xẻ ván. Không rõ gốc cây dùng để làm gì”, anh Phùng Mý Cở nói.

TS Lê Trần Chấn, Giám đốc Trung tâm An toàn & Đa dạng Sinh học (Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam), đơn vị từng tiến hành các dự án bảo tồn cây quý hiếm ở xã Thài Phìn Tủng, cho hay cây thông tre lá ngắn từng khá phổ biến ở huyện Đồng Văn.

Riêng với xã Thài Phìn Tủng, khi các nhà khoa học đến khảo sát hai đợt, có 140 cây. Loại cây này có tên khoa học là Podocarpus Pilgeri Foxw, thuộc họ cây Kim Giao “Đây là loại cây thuộc nhóm quý hiếm, từng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Mới đây, giống được khôi phục nhờ các công trình bảo tồn đa dạng sinh học. “Nhưng với tình trạng hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng khá cao”, TS Chấn nói.

Thông tre lá ngắn không có chất chữa ung thư taxtere giống như thông đỏ bắc. Cho đến nay khoa học chỉ ghi nhận loại cây này có thớ thẳng, mịn, hơi cứng, có vân hoa đẹp, thích hợp làm đồ gia dụng và làm cây cảnh. “Việc thương lái chỉ thu mua phần gốc chứ không lấy phần thân gỗ quả là khó hiểu”, TS Chấn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG