Tôi đi làm bánh Trung thu

Tôi đi làm bánh Trung thu
TPO - Trong vai sinh viên thất nghiệp, tôi xin vào làm tại một lò bánh Trung thu ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm – Hà Nội). Tận thấy cảnh làm bánh “tay không bắt giặc”, chứng kiến khuôn bánh được biến thành ghế ngồi, khay nhân bị vứt tơ hơ trên nền đất… mà thấy giật mình.
Tôi đi làm bánh Trung thu ảnh 1

Hai sinh viên trường Cao đẳng Lưu trữ Trung ương được chủ cửa hàng thuê làm nhân bánh Trung thu. Họ chỉ mang găng tay khi... có đoàn kiểm tra.                                      Ảnh: CTV

Tôi làm công nhân lò bánh

Đến hẹn lại lên, khi mùa thu tới, cũng là lúc làng nghề bánh Trung thu ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm – Hà Nội) rộn ràng vào vụ.

Từ đầu làng đến cuối xóm, các lò làm bánh dẻo, bánh nướng lại sôi sục không khí chuẩn bị cho “chiến dịch”. Ở đâu đó trong những con hẻm quanh co, tiếng khuôn gỗ nện xuống bàn bánh vang đều chan chát…

Khoác lên mình chiếc áo sờn vai, mượn chiếc xe đạp mini bị trượt cá, rách giỏ, tôi đạp xe đến các lò bánh xin việc. Sau hai ngày lang thang xin làm thợ phụ bị từ chối, cuối cùng, trong vai sinh viên vừa tốt nghiệp, tôi được nhận vào cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống T.B. 

Nhìn dáng vẻ sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc lại gầy gò, ốm yếu, bà chủ lò bánh ngã giá: 300.000 đồng/tháng. Thời gian làm việc từ 5 giờ sáng đến 22 giờ 30, ăn ở luôn tại nhà chủ. “Cháu có cần phải có giấy khám sức khoẻ không?” - Tôi hỏi. Bà chủ lắc đầu, bảo không cần giấy tờ gì, cứ đến làm là được.

Khuôn bánh kiêm ghế ngồi

4 giờ 30 sáng, chúng tôi bị dựng dậy. Đánh răng, rửa mặt xong xuôi, hơn chục thợ bánh chẳng ai bảo ai, tự động vào việc. Đội thợ gồm hơn chục người của lò T.B đều quê ở Ba Vì, Hà Tây cả.

Ngoài ra, bà chủ cũng nhận thêm mấy nữ sinh viên trường Cao đẳng Lưu trữ Trung ương ở gần đó vào làm nửa ngày. Là “ma mới”, tôi được giao cán cùi, bao bánh, kiêm “chân” để thợ cả sai vặt.

Vừa làm quen mọi người, tôi vừa quan sát. Xưởng bánh T.B nằm gọn trong phòng bếp và cái sân nhỏ, bám sát mặt đường. Trong bếp, bên cạnh chiếc tủ lạnh “ướp” đầy nguyên liệu sống là ngổn ngang những thùng to chứa thịt mỡ ướp đường, ướp bí sống…

Quanh đó, những bao bột làm bánh được bày la liệt trên mặt đất. Ở xó bếp, chiếc máy hoà bột chạy bằng điện đã ngả màu vàng của gỉ sắt nằm tơ hơ, “khiêu khích” đám ruồi. Những vết cáu bẩn, những cục bột vón lại do lâu ngày không được “thanh lý” cứ dày thêm lên trên mình máy.

Tôi đi làm bánh Trung thu ảnh 2
Phóng viên Tiền phong (trái) và những thợ làm bánh chỉ phải đeo tạp dề, găng tay bằng nilon khi có đoàn kiểm tra đến  Ảnh: CTV

Nằm sát với tường là hai chiếc bàn làm bánh. Mặt bàn làm bằng tôn, luôn trắng xóa bột. Bột văng ra chống dính, bột dẻo bám lại trong quá trình nhào, vón thành cục. Thấy vậy, anh Thanh, một trong hai thợ chính hướng dẫn tôi cầm miếng tôn nhỏ cạo mạnh xuống mặt bàn để cậy bột lên “tái sản xuất”.

Sau những nhát cạo xước cả mặt bàn, bao nhiêu cáu bẩn, rồi cả mạt tôn cũng theo lên cả. Đến cuối ngày, khi dọn dẹp vệ sinh, thật không ngờ, chính miếng tôn được tôi làm “vũ khí” cậy bột trên bàn bánh lúc trưa, lại được hai nữ nhân công dùng để cậy bột bám trên… nền bếp.

Gần 13 giờ chiều, sau khi cố làm cho xong lô hàng khách đã đặt, đám thợ được nghỉ ăn cơm trưa. Chẳng kịp rửa tay cho sạch bột, hơn chục con người vây quanh mâm cơm với hai món rau, một đĩa cá bống nhỏ. Thiếu ghế ngồi, thợ liền thuận tay với vào gầm bàn bánh, lấy những chiếc khuôn gỗ ra kê làm ghế ngồi tạm.

Thì ra, ở lâu mới biết, chức năng của hàng chục chiếc khuôn bánh nướng, bánh dẻo bằng gỗ với đủ kích thước, kiểu dáng phủ đầy bột và bụi bặm dưới gầm bàn kia không chỉ để làm bánh. Nó còn được tận dụng “một cách sáng tạo” làm ghế ngồi lúc ăn cơm, làm cùi thắp nến cho thợ làm khi mất điện.

Sau khi quen việc, tôi được Thanh hướng dẫn cho cách pha chế nguyên liệu làm bánh nướng. Theo ông thợ cả này, cứ hai cân nước đường đặc thì cho 4 gam dầu ăn thực vật, 1 chén nước, 1 thìa đường, 1 nhúm bột nở, 1 cục đường đặc quánh và 1 nửa thìa nhỏ chất bảo quản.

Tôi hỏi chất bảo quản được làm từ cái gì thì Thanh im lặng. Tất cả gia vị trên được đựng trong những lọ cáu bẩn, đặt ngay trên nền đất trong nhà bếp.

Bên cạnh tôi, đang trộn nhân, dép bị đứt quai, Linh liền bỏ khay nhân nằm trên nền đất, cầm chiếc dép dính đầy đất cát lên đùa với mọi người, rồi đi… sửa dép. Xong xuôi, Linh lại trở về với cái “máng” nhân bánh đang bị lũ ruồi “tấn công” tiếp tục trộn nhân với đôi bàn tay vừa sửa dép ấy.

Ở phía ngoài, bà chủ trực tiếp phụ trách khâu đóng gói. Bánh được bày trực tiếp ra nền nhà. Bên bà chủ, hai chú chó Phốc được cưng chiều cứ chạy vòng quanh đống bánh.

Tôi đi làm bánh Trung thu ảnh 3

Những lúc chán vờn qua, vờn lại, chúng liền mang bánh Trung thu ra nhay nhay, đùa nghịch. Có lần, các chú Phốc còn hồn nhiên thục đầu vào chậu nước đường làm bánh để trên sàn nhà mà “giải khát”. 

Đối phó

“Nhảy dù” vào xưởng làm bánh Trung thu ở làng nghề Xuân Đỉnh, tôi đã được mắt thấy, tai nghe những công đoạn làm bánh mà nếu biết trước chưa chắc ai cũng đủ tự tin đưa lên mồm thưởng thức.

Tất cả các thợ làm bánh ở đây đều ba không: Không khám sức khỏe theo quy định, không găng tay, tạp dề, không được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Họ đều là những người ở quê, về đây làm bánh theo thời vụ nên ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm rất đại khái. Chẳng thế mà từ chủ đến người làm đều rất hồn nhiên trong lao động, chỉ khi hay tin có đoàn kiểm tra mới tìm cách đối phó.

Chiều 19/9, khi đoàn kiểm tra đến xưởng bánh bên cạnh, bà chủ đã cuống cuồng giục chúng tôi đeo bao tay bằng nilông, mang tạp dề bảo hộ.

Sáng hôm sau, khi các nguyên liệu cùng những khay bánh còn nằm la liệt trên nền đất, bà chủ nhận được điện thoại báo tin có đoàn nhà báo muốn xuống tham quan, tìm hiểu làng nghề. Bà liền bắt chúng tôi bỏ việc đang làm, chạy đôn, chạy đáo đi… dọn dẹp vệ sinh khẩn cấp.

Các khay bánh được chuyển từ đất lên giá, các thùng đựng nước đường được đậy kín lại, dù bên trong vẫn nhìn rõ váng và… ruồi. Tôi được bà chủ sai bê một khay nhân cũ không đảm bảo chất lượng lên gác 2 để giấu.

Sau khi đã bắt nhân viên mang găng tay, đeo tạp dề đâu vào đấy, bà chủ dặn mọi người khi đoàn nhà báo xuống thì bảo chủ không có nhà. Rồi bà đi đâu mất!

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu T.B chỉ là một trong số 53 đơn vị sản xuất loại bánh “Rằm tháng Tám” ở làng nghề Xuân Đỉnh.

Với cung cách sản xuất… bày la liệt trên mặt đất, mặc cho ruồi bâu, chó “nếm”, với phương châm đối phó với các đoàn kiểm tra, liệu bánh Trung thu làm thủ công ở đây có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

MỚI - NÓNG