Xác định vị trí việc làm để loại bỏ “chạy” công chức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại buổi họp báo Ảnh: Công Khanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại buổi họp báo Ảnh: Công Khanh
TP - Chiều qua, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 1- 2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan kết luận thanh tra tại thành phố Đà Nẵng, dư luận về “chạy” công chức tại Hà Nội, chính sách giải cứu thị trường bất động sản…

> Không thanh tra lại kết luận về Đà Nẵng
> Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2013

Không thanh tra lại kết luận thanh tra Đà Nẵng

Sài Gòn Tiếp thị: Sau khi công bố kết luận thanh tra thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố này đã phản ứng với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ. Vậy, Chính phủ có yêu cầu phúc tra không, thưa ông?

Công tác thanh tra là việc làm thường xuyên của Chính phủ. Hàng năm Thanh tra Chính phủ đều có kế hoạch thanh tra.

Việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là cuộc thanh tra như nhiều cuộc khác theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 24 vụ việc và công bố 20 kết luận. Còn lại một số nhỏ vụ việc cần làm rõ tiếp thì chưa kịp công bố.

Việc công bố kết luận thanh tra Đà Nẵng cũng là theo quy định của pháp luật. Thành phố Đà Nẵng có phản ứng thông qua báo chí, thì Chính phủ cũng mới tiếp nhận thông tin này từ báo chí. Chính phủ luôn cầu thị, trách nhiệm trước thông tin báo chí phản ánh.

Do vậy, Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ có báo cáo về những thông tin báo chí đã nêu. Theo Luật Thanh tra và nghị định hướng dẫn thi hành, không có khái niệm “phúc tra” mà chỉ có khái niệm “thanh tra lại” đối với những kết luận thanh tra của thanh tra các bộ, tỉnh, thành phố. Còn khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì không có khái niệm “thanh tra lại”.

Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về thanh tra tại Đà Nẵng, đã giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Đà Nẵng và một số bộ, ngành như: TN&MT, Tài chính, KH&ĐT, Công an.

Do vậy, theo quy định, các cơ quan hành chính nhà nước này cần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan này thấy có vấn đề cần phải báo cáo Thủ tướng xem xét lại thì sẽ báo cáo. Nhưng, đến giờ phút này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng và bộ, ngành nào liên quan đến việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng.

Xác định vị trí việc làm để loại bỏ “chạy” công chức

Tiền Phong: Hà Nội đã kiểm tra và khẳng định chưa phát hiện tình trạng “chạy” công chức, còn trên phạm vi cả nước Chính phủ có chỉ đạo kiểm tra vấn đề này không, thưa ông?

Trong phiên họp này, Chính phủ đã chỉ đạo phải thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính. Chính phủ không có chỉ đạo riêng nào về việc rà soát hiện tượng “chạy” công chức.

Nhưng Chính phủ đã yêu cầu ngành Nội vụ chú ý đến hai vấn đề liên quan đội ngũ công chức: Làm sao thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ công chức được nâng lên, trách nhiệm rõ ràng; Phải tinh giản bộ máy hành chính.

Tinh thần chung của Chính phủ là tất cả các lĩnh vực nếu có hiện tượng “chạy” theo nghĩa tiêu cực thì đều phải lên án và đấu tranh. Nếu ở đâu có hiện tượng này chỉ phải xử lý.

Theo tôi, phải có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Làm sao mỗi vị trí việc làm có trách nhiệm rõ ràng, thước đo đánh giá chính xác. Nếu xác định vị trí việc làm rõ ràng thì các hiện tượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ. Nếu đánh giá công chức bằng hiệu quả công việc thực sự thì không còn đất cho việc “chạy”.

Nông thôn ngày nay: Vừa qua có thông tin 30% công chức “có cũng được và không có cũng được”, quan điểm của ông ra sao?

Thực tế trong bộ máy hành chính có một bộ phận cán bộ do nhiều nguyên nhân mà mức độ đóng góp hạn chế. Cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có một bộ phận chưa phát huy hết năng lực và ngay trong mỗi cơ quan cũng có bộ phận này.

Quá trình cải cách hành chính phải làm thường xuyên, quyết liệt, kiên trì thì trong những năm tới chúng ta sẽ có bộ máy công chức được xác định rõ nhiệm vụ. Khi đó số cán bộ “có cũng được, không có cũng được” sẽ giảm đi.

Không chỉ cứu nhà giàu

Người tiêu dùng: Báo cáo tại Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hơn 80% doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi. Vậy chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản có phải là cứu nhà giàu, ông suy nghĩ gì trước nhận định này?

Trước khi ban hành chính sách, Bộ Xây dựng đã được giao khảo sát lại thị trường bất động sản. Ngoài ra, trước khi bàn về nghị quyết hỗ trợ, Thường trực Chính phủ cùng các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với TPHCM và Hà Nội. Đối với các giải pháp này, Chính phủ không bao giờ chỉ tập trung đi cứu nhà giàu.

Vnexpress: Vừa qua nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường 200 tỷ đồng tại dự án cầu Nhật Tân do chậm giải phóng mặt bằng, Chính phủ đã có chỉ đạo gì đối với dự án này?

Vụ việc có được báo cáo lên Chính phủ. Đây là việc rất đáng tiếc. Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Hà Nội cố gắng đảm bảo tiến độ thực hiện công trình, giải quyết với nhà thầu Nhật Bản.

Không được chủ quan

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành cần tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách quyết liệt, khẩn trương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan.

Ngân hàng Nhà nước VN phải kiểm soát tốt lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, không để “giật cục”, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bám sát thực tiễn hơn, linh hoạt hơn, chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính để chính sách hỗ trợ kịp thời đến với đối tượng được thụ hưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG