Hạn hán nghiêm trọng khắp Tây Nguyên

Hạn hán nghiêm trọng khắp Tây Nguyên
TP - Sáng 14-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

> Đắk Lắk đề nghị cấp 150 tỷ đồng chống hạn
> Khô hạn bao phủ miền Trung, Tây Nguyên

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến năm 2011 diện tích rừng toàn khu vực Tây Nguyên khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Những năm gần đây, tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp diễn ra ở mức độ cao, bình quân mỗi năm giảm gần 26.000 ha/ năm.

Trong đó, chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su, xây dựng thủy điện, sản xuất nương rẫy, khu công nghiệp chiếm 78%; bị khai thác chặt phá trái phép chiếm 6%.

Chất lượng rừng ở khu vực cũng đã suy giảm nghiêm trọng, rừng giàu hiện chỉ còn 16% còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi.

Ngoài ra, Tây Nguyên còn là vùng nóng về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2008-2012, khu vực này phát hiện 8.643 vụ phá rừng trái phép.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh trong khu vực cho rằng, để bảo vệ và phát triển rừng của Tây Nguyên bền vững trước mắt cần rà soát, kiểm kê lại diện tích rừng để biết chính xác thực trạng rừng hiện tại để có những giải pháp hữu hiệu; Sắp xếp đổi mới các Công ty Lâm nghiệp Nhà nước cho phù hợp; Tăng cường nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng về cho các địa phương; thành lập cảnh sát rừng, một lực lượng đủ mạnh để răn đe, trấn áp các hành vi phá rừng… Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị, đồng thời yêu cầu các địa phương và các bộ ngành liên quan phối hợp đồng bộ với nhau để có những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng…

Chiều cùng ngày, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 8 đến nay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Hạn gây thiệt hại nặng nề nhất cho các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chỉ riêng, các tỉnh Tây Nguyên đến thời điểm này đã có trên 73.773 ha/600.000 ha cây trồng các loại bị hạn, chủ yếu là lúa nước và cà phê, trong đó, mất trắng trên 4.002 ha. Dự báo, diện tích khô hạn các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 73.000 ha.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương trong khu vực cần xây dựng phương án sản xuất vụ hè thu, vụ mùa theo điều kiện nguồn nước hiện có.

Những khu vực không đủ nước tưới phải kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn, không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch gây căng thẳng, tranh chấp nguồn nước và thất thu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết xả nước các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi để nâng cao mực nước hạ du, đảm bảo điều kiện cho các công trình thủy lợi lấy nước tưới, hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân…

* Ngày 14-3, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết có tới 32,5 ha rừng phòng hộ xung yếu tại tiểu khu 243 (thuộc địa bàn xã Phi Tô, huyện Lâm Hà) bị chặt phá, đốt cháy, trong đó 21 ha vừa bị tàn phá trong các tháng 2 và 3 này.

Số hộ xâm hại rừng để lấy đất trồng cà phê tại các khoảnh 3 và 7 của tiểu khu 243 lên tới khoảng 40 hộ, hầu hết cư trú tại các thôn Hang Hớt, buôn Chuối Cổng Trời và Thực Nghiệm (xã Mê Linh, Lâm Hà).

Khi Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các rẫy cà phê trên để trồng lại rừng, các đối tượng vi phạm đã dùng dao, rựa, xà gạc, mã tấu tấn công khiến nhiều cán bộ, nhân viên bị thương; trạm quản lý bảo vệ rừng bị đập phá.

Một số đối tượng giang hồ, đầu nậu đất ở Lâm Hà và TP Đà Lạt cũng thuê người đốn hạ cây rừng, lấn chiếm đất trái phép. Khi hành vi vi phạm bị phát hiện, ngăn chặn, các đối tượng chặn đường hành hung người thi hành công vụ hoặc hăm dọa sẽ chém giết.

Trước tình trạng phá rừng lập rẫy trái phép vẫn âm ỉ diễn ra tại khu vực này, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng quyết định thành lập tổ công tác từ tỉnh xuống hỗ trợ các cơ quan chức năng ở huyện Lâm Hà để bảo vệ những cánh rừng phòng hộ xung yếu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.