Phải coi trọng văn hóa thời hội nhập

Phải coi trọng văn hóa thời hội nhập
TP - Ngày 20/3, đông đảo nhân sỹ, trí thức, luật gia đã góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức.

> Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống
> Chủ tịch nước có thể được quyền yêu cầu Thủ tướng giải trình

Một trong những ý kiến nổi bật đến từ GS sử học Lê Văn Lan, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa xã hội-MTTQ. GS Lê Văn Lan bày tỏ lo ngại về thực trạng văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập bằng cụm từ “bất bình”, và đưa ra nhiều dẫn chứng của sự “xuống cấp, suy đồi, băng hoại”, sự “xâm lăng văn hóa từ bên ngoài” như việc in cờ nước ngoài trong sách cho trẻ em, tuyển cô dâu người Việt, mua bán danh vọng bằng tiền, tình; nạn đồ giả; nạn trộm cắp hoành hành từ lâm tặc đến “cẩu tặc”, “sưa tặc” (trộm gỗ sưa), đinh tặc; việc xây dựng các chương trình văn hóa tốn kém “mang đậm bản sắc nước ngoài”...

Từ thực trạng này, GS Lan đặt ra câu hỏi liên quan vấn đề văn hóa, nghệ thuật được quy định trong điều 64 Hiến pháp sửa đổi: Pháp luật về văn hóa có thực sự được coi trọng không khi để xảy ra sự xâm phạm hàng loạt di sản, như Thành nhà Mạc bị trùng tu giống như “lò gạch”, Chùa Trăm Gian bị trùng tu bừa bãi...

Chia thời kỳ từ năm 1986, với dấu mốc là Đại hội Đảng lần 6, là thời kỳ đổi mới và, từ năm 2007, với sự kiện Việt Nam chính thức ra nhập WTO là thời kỳ hội nhập, GS Lan nói nếu Hiến pháp 1992 là sản phẩm của thời kỳ đổi mới thì Hiến pháp sửa đổi phải là sản phẩm của thời kỳ hội nhập.

Tuy nhiên, điều 64 HP sửa đổi “nhợt nhạt”, “cũ kỹ”, vẫn sử dụng những câu trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (ban hành năm 1998) vốn dùng cho thời kỳ đổi mới, chứ không phải thời kỳ hội nhập.

GS Lan kiến nghị Hiến pháp sửa đổi cần khẳng định mạnh mẽ về yêu cầu đặc trưng đối với văn hóa Việt Nam thời hội nhập từ năm 2007 trở đi, đó phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa - một nền văn hóa nhân văn, nhân ái, trí tuệ, chứ không phải văn hóa ngoại lai.

Làm rõ quy định về trưng cầu ý dân

Về vai trò của người dân đối với các vấn đề trọng đại của đất nước, GS Lưu Văn Đạt-Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật MTTQ, cho rằng, cần ghi rõ Nhà nước tạo điều kiện và bảo đảm bằng luật để người dân tham gia quản lý xã hội, thực hiện quyền giám sát và phản biện.

Trưng cầu ý dân cần được làm rõ, đó là quyền của người dân. Bởi dân làm chủ thì trước những việc lớn của đất nước, người dân phải được quyết. Hiến pháp phải quy định rõ những vấn đề cần được trưng cầu ý dân, mà trước hết phải quy định rõ quyền phúc quyết của dân đối với Hiến pháp.

 Trưng cầu ý dân cần được làm rõ, đó là quyền của người dân. Bởi dân làm chủ thì trước những việc lớn của đất nước, người dân phải được quyết. 

GS Đạt cũng bày tỏ băn khoăn: “Tôi đọc điều 6 dự thảo thấy viết rằng nhân dân thực hiện quyền làm chủ bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ đại diện thì chúng ta đã làm quen, mặc dù còn nhiều bất cập. Nhưng dân chủ trực tiếp thì sẽ được thực hiện bằng những hình thức gì? Dự thảo có quy định là nhà nước tạo điều kiện. Tôi cho rằng Nhà nước không chỉ tạo điều kiện mà phải bảo đảm bằng pháp luật để thực hiện các quyền của người dân”.

Đồng tình quan điểm này, GS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh rằng Hiến pháp phải có sự tham gia của toàn dân, làm sao để mọi tầng lớp nhân dân đều được tham gia viết Hiến pháp. “Điều này khó, nhưng phải nỗ lực thể hiện được ý chí của dân”. Do đó, phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của MTTQ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.