62 ngàn dân phải di dời nếu xảy ra sự cố ở Bắc Trà My

62 ngàn dân phải di dời nếu xảy ra sự cố ở Bắc Trà My
TP - Ngày 16 - 1, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương các huyện nằm dưới hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức họp bàn về kế hoạch sơ tán dân phòng khi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện này.

> Phó chủ tịch Quốc hội kiểm tra tại vùng động đất Bắc Trà My
> Lại động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Kịch bản động đất gây vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên 2 tình huống: động đất gây vỡ đập trong thời điểm mưa lũ và động đất gây vỡ đập trong điều kiện không có mưa lũ.

Theo dự thảo kế hoạch sơ tán, sông Tranh thuộc thượng nguồn sông Thu Bồn có lòng sông hẹp, nếu có sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ gây ngập nhanh ở vùng hạ du các huyện: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và phố cổ Hội An.

Theo đó, số lượng người dân cần sơ tán là hơn 62.600 người dân thuộc 145 thôn, 51 xã, thị trấn. Khi xảy ra sự cố, lực lượng tìm kiếm cứu nạn với hàng ngàn người thuộc các địa phương cũng như bộ đội, công an, các đội cứu nạn của tỉnh sẽ tham gia ứng cứu.

Đại tá Phạm Xuân Thiện, Phó chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Quảng Nam cho rằng với dung tích 730 triệu m3 nước, nếu xảy ra vỡ đập phạm vi ảnh hưởng sẽ kéo dài từ huyện Bắc Trà My đến Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và TP Hội An. Các thị trấn Trà My, Ái Nghĩa, TP Hội An… sẽ bị thiệt hại rất lớn và hậu quả khôn lường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nếu xảy ra trường hợp vỡ đập, thì đó là thảm họa chứ không phải là thiên tai bình thường. Chính vì vậy, chúng ta phải có cách ứng xử sao cho phù hợp.

Điều đầu tiên là phải đảm bảo được an toàn tính mạng của dân, còn những thứ khác tính sau. Phải có phương án cụ thể thì mới có thể chủ động để ứng phó nếu thảm họa này.

Nhiều lãnh đạo các huyện lo lắng và yêu cầu cần thiết có bản đồ ngập lụt. Ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nhấn mạnh: “Mới đây, thủy điện Sông Tranh 2 chỉ xả một lượng nước 500 m3/giây nhưng đã làm ngập địa phương lên 1 m. Cho nên cần phải có bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu khi vỡ đập”.

Tại buổi làm việc BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam cũng đã công khai các cao điểm để người dân tìm đến trú tránh khi xảy ra vỡ đập, các thông tin về cự ly di chuyển, tọa độ, số dân trong từng thôn, tuyến đường cơ động, phương tiện để sơ tán dân đến điểm an toàn...

Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ không cho đập thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Tuy nhiên hiện nay, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn ở cao trình 140m, vì không có cửa xả đáy và vận hành 2 tổ máy để duy trì mực nước chết.

Ông Phạm Văn Quế, Chánh văn phòng Cty thủy điện Sông Tranh 2 cho biết: Năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phát điện đảm bảo hoàn thành kế hoạch của EVN giao là 530 triệu KW.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.