‘Săn’ bọ cạp chúa

‘Săn’ bọ cạp chúa
Sáng sớm, thanh niên ở xóm nghèo biên giới khóm Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên - An Giang) đã lục tục cùng nhau vác cuốc, xuổng đi theo các triền núi để bắt bọ cạp. Nọc độc bọ cạp chúa không thua nọc rắn rết, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ không màng đến chuyện nguy hiểm mà vẫn bám nghề để mưu sinh.

‘Săn’ bọ cạp chúa

Sáng sớm, thanh niên ở xóm nghèo biên giới khóm Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên - An Giang) đã lục tục cùng nhau vác cuốc, xuổng đi theo các triền núi để bắt bọ cạp. Nọc độc bọ cạp chúa không thua nọc rắn rết, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ không màng đến chuyện nguy hiểm mà vẫn bám nghề để mưu sinh.

 Đào bọ cạp
Đào bọ cạp.
 

Mới mười mấy tuổi đầu, nhưng anh em của Lê Hoàng Em (18 tuổi) và Lê Chí Tâm (17 tuổi) được mệnh danh là tay “sát” bọ cạp chúa ở vùng Thất Sơn với thành tích 5 năm trong nghề.

Khi được hỏi, lỡ bị bọ cạp chích ở rừng sâu đe dọa đến tính mạng thì sao? Các em nói rất hồn nhiên: “Đi bắt bọ cạp riết quen và mê luôn. Ngày nào không đi đào thì coi như đói…”.

Ban đầu, thấy người lớn đi đào hang bắt bọ cạp, các em bắt chước làm theo, rồi dần dần thạo nghề... Bổ từng nhát xuổng xuống lớp đất đá cứng, các em cố moi cho được con bọ cạp chúa đang vùi mình trong đất. Hoàng Em và Chí Tâm bắt bọ cạp rất điêu luyện y như bắt dế bắp vậy. Nhìn các em nắm từng con bọ cạp đen trùi trũi bỏ vào chiếc thùng, chúng tôi rợn cả người.

Hoàng Em nhớ lại: “Hồi đó, có một ông người Khmer chuyên đi đào bọ cạp núi, tôi và những đứa trẻ trong xóm hiếu kỳ đến xem. Thấy đi bắt bọ cạp cũng dễ nên cả bọn con nít trong xóm bắt chước xách leng, xuổng học lóm cái nghề này. Đi đào bò cạp rất nguy hiểm, sợ nhất là lúc tóm con bọ cạp. Nếu vô tình bị chiếc đuôi chúng quay lại chích một nhát mà không chở đến bệnh viện kịp thì coi chừng bị mất mạng…”.

Đến chân núi Phú Cường, Hoàng Em và Chí Tâm tiếp tục nhìn quanh quẩn tìm hang bọ cạp trú ngụ, rồi giáng nhát xuổng xuống lớp đất cứng sâu khoảng 5 tấc. Con bọ cạp đen trùi trũi giơ cao hai càng và kim nọc độc như để tự vệ. Ngay tập tức, Chí Tâm lấy nhành cây đưa vào, con bọ cạp dùng càng kẹp cứng khúc cây. Bằng cách bắt này, con bọ cạp bị tóm gọn bỏ vào chiếc xô.

Chí Tâm cho biết: “Thường, một hang có khoảng 2 con (đực và cái), có hang đến 6-7 con trú ngụ. Hang bọ cạp hao hao như hang cua, hang dế nhưng có điều nhỏ khoảng ngón chân cái”. Để phân biệt hang bọ cạp khác với hang rắn hay rết, Chí Tâm cho biết, bọ cạp thường trú ngụ chủ yếu ở dưới tầng đá tổ ong hoặc lớp đất xốp dưới lá cây mục. Hang của chúng rất khó phân biệt, cửa hang to và sâu hơn hang dế một chút. Không phải là người trong nghề thì khó lòng nhận ra”.

Sau nhiều giờ theo chân anh em Hoàng Em và Chí Tâm “săn” bọ cạp, chiến lợi phẩm thu được khoảng 100 con.

Mấy năm gần đây, phong trào ăn bọ cạp hoặc dùng bọ cạp ngâm rượu nở rộ nên loài côn trùng này bị săn bắt, ráo riết. Những người chuyên đào bọ cạp Bảy Núi nói rằng, mấy năm trước, mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng từ việc bắt bọ cạp, có khi trúng mánh lên đến tiền triệu. Bây giờ, người săn bọ cạp quá đông, không chỉ thanh niên mà cả trẻ em, thậm chí nhiều gia đình kéo cả cha con, anh em cùng đi. Mỗi ngày, họ chia nhau vài chục ngàn đồng, có hôm lùng sục mỏi chân mỏi tay mà cũng chẳng tìm được bao nhiêu con bọ cạp.

Ông Huỳnh Văn Đúng (55 tuổi, ngụ thị trấn Tịnh Biên), ngày trước từng “chen chân” vào núi rừng để “săn” bọ cạp về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Do nhiều người “ra lò” săn bắt bọ cạp quá mức nên ông mới giải nghệ kiếm công việc khác để làm.

Nhìn 2 anh em của Hoàng Em và Chí Tâm đang say mê đào bọ cạp, ông Đúng cười tươi: “Muốn bắt bọ cạp không bị nguy hiểm đến tính mạng thì người bắt cần phải tóm nó ở đằng đuôi. Bởi khúc đuôi được xem là vũ khí lợi hại có chứa một lượng nọc cực độc. Bọ cạp hồi đó nhiều vô kể. Ban đêm, chúng còn bò lểnh nghểnh vào nhà chích cả gà, bò, heo. Bọ cạp thường sống ở chân núi theo kẹt đá hoặc những mảnh vườn đã thu hoạch. Thói quen của bọ cạp là chỉ ra khỏi hang vào ban đêm để tìm thức ăn. Vì vậy, muốn bắt được bọ cạp nhiều, tôi thường chờ đêm xuống. Đặc biệt, dưới những tán rừng thốt nốt, bọ cạp hay ra tìm thức ăn, gặp ánh đèn chúng nằm im một chỗ nên mặc sức mà bắt…”.

Nói về “món độc” này, ông Đúng tỏ ra sành điệu. Ông nói: “Bọ cạp ngâm rượu, ngon nhất là nước đầu. Khi uống xong đổ vào nước hai để dành xoa bóp, trị khớp đau nhức hoặc cho gà uống trị cảm cúm là hay đại tài. Ngoài ra, bọ cạp rất sạch sẽ, chúng không ăn mấy thứ dơ bẩn mà chỉ hút chất của mấy thứ côn trùng như cuốn chiếu, bọ rầy nên chiên giòn ăn ngon và bổ dưỡng không món nào sánh bằng”.

Theo Lưu Mỹ
Báo An Giang

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG