Cầu vượt thép mới sử dụng đã lún

Cầu vượt thép mới sử dụng đã lún
TP - Sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, cầu vượt thép tại Ngã tư Thủ Đức (Xa lộ Hà Nội, TPHCM) xuất hiện tình trạng bị lún, trồi nhựa trên mặt cầu. Nguyên nhân sự cố được chủ đầu tư và nhà thầu lý giải là “do xe quá tải”.

> Khởi công cầu vượt bằng thép thứ ba ở TPHCM
> Thông xe hai cầu vượt bằng thép đầu tiên

Mặt cầu vượt Thủ Đức (hướng từ TPHCM đi Đồng Nai) đoạn từ chân cầu tới đỉnh cầu kéo dài khoảng 30 - 40m, lớp nhựa trên mặt cầu bị lún và trồi tạo thành các rãnh sâu từ 7 - 10cm, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Ở hướng ngược lại, mặt cầu bị lún nhẹ.

Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TPHCM (chủ đầu tư), bê tông nhựa mặt cầu bị lún, trồi ngay tại vị trí vệt bánh xe trên làn bên phải (hướng TPHCM - Đồng Nai) do mật độ và tải trọng xe quá lớn.

Xe tải nặng tập trung chạy trên một làn, bánh xe tạo áp lực gây lún trồi dạng “hai sông ba núi”. Theo tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế đường, lưu lượng xe quy đổi cho một làn đường đô thị cấp 1 là 8.300 xe/ngày đêm, trong khi cầu vượt Thủ Đức “gánh” tới 11.500 xe/ngày đêm.

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Ngọc Ban, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Xây dựng Thăng Long - đơn vị chịu trách nhiệm thi công-nói, công trình vẫn chưa bàn giao, đang trong giai đoạn bảo hành. Việc xảy ra lún là bình thường. Nhà thầu sẽ xử lý triệt để sự cố, nhưng nguyên nhân khiến mặt cầu vượt Thủ Đức bị lún thì chưa rõ.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô TPHCM Thái Văn Chung nói: “Hầu hết xe container vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển qua cầu đều tuân thủ khá tốt các quy định về tải trọng. Mặt khác, tại sao cầu vượt Thủ Đức bị lún trong khi nhiều cây cầu khác trên Xa lộ Hà Nội lại không hề gì? Rõ ràng, chất lượng cầu đường trên tuyến không đồng bộ và chất lượng cầu vượt thấp nên bị lún, trồi nhựa”.

Từ ngày 1/4, việc khắc phục, sửa chữa sự cố trên cầu vượt Thủ Đức đã được thực hiện. Nhà thầu cho cào bóc toàn bộ lớp nhựa bê tông sâu khoảng 10cm trên cả chiều dài hai làn đường phía ngoài cùng của cầu, thay bằng lớp bê tông nhựa hạt trung và thảm lớp trên bê tông nhựa polymer. Đến chiều 3/4, việc khắc phục đã cơ bản hoàn tất.

Theo một số chuyên gia cầu đường, một khi chưa xác định rõ nguyên nhân chính yếu, việc sửa chữa, khắc phục chỉ là tạm thời và không giải quyết triệt để tình trạng lún, trồi nhựa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG