Vứt rác trên đường sẽ bị phạt một triệu đồng

Vứt rác trên đường sẽ bị phạt một triệu đồng
TP - Một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là sẽ xử phạt người vứt rác sinh hoạt ra đường phố, bỏ tàn thuốc lá, vệ sinh cá nhân không đúng chỗ ở khu thương mại, chung cư...

> Mỗi công nhân 'cõng' hai tấn rác ngày Tết
> Trục xuất doanh nghiệp khỏi địa bàn nếu còn xả thải ô nhiễm

Xả rác thải ra đường phố sẽ bị phạt một triệu đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Xả rác thải ra đường phố sẽ bị phạt một triệu đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo Dự thảo đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến, hành vi bỏ tàn thuốc lá hoặc vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu đô thị, khu chung cư, thương mại, nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50-200 nghìn đồng.

Bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại các khu vực trên sẽ bị phạt 200-500 nghìn đồng. Bỏ rác sinh hoạt trên đường phố hoặc hệ thống thoát nước đô thị sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến một triệu đồng.

Theo ông Lương Duy Hanh, Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường, công chức xã phường, công an sẽ xử phạt các hành vi vi phạm trên.

Theo ông Hanh, Dự thảo nâng mức xử phạt lên nhiều lần, bởi thời gian qua, việc xử phạt theo Nghị định 117 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là quá nhẹ.

“Tôi thấy mấy năm vừa rồi chưa có doanh nghiệp nào bị phạt đến 200 triệu với hành vi xả thải, chủ yếu mức phạt là 30-50 triệu ”, ông Hanh nói.

Dự thảo Nghị định quy định mức phạt cao nhất với một cá nhân cho một hành vi vi phạm là một tỷ đồng, với tổ chức là hai tỷ đồng. Riêng ở các thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, mức phạt này phải được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Gây ô nhiễm sẽ bị tăng mức xử phạt gấp 4-5 lần hiện nay. Gây tiếng ồn vượt quy định cho phép sẽ bị phạt từ 50 triệu đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động của bộ phận gây ô nhiễm từ ba đến sáu tháng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6 đến 12 tháng, để khắc phục hậu quả.

Các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu về dư luận xã hội sẽ bị công khai thông tin tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên trang thông tin điện tử hoặc báo Tài nguyên Môi trường (Tổng cục Môi trường).

Nhiều hình thức xử lý khác cũng được áp dụng như buộc di dời cơ sở đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường hoặc cấm hoạt động.

Theo nhiều chuyên gia tại hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo diễn ra hôm qua ở Hà Nội, việc nâng mức xử phạt lên nhiều lần như trong Dự thảo sẽ góp phần tăng sức răn đe.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG