Năm 2014: Trình dự Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân

Năm 2014: Trình dự Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân
TP - Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 15/4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đây là các dự án luật liên quan quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992.

> Quy định rõ hơn thẩm quyền Bộ trưởng

Trong báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý cho biết, hai dự án luật này đã nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, do đó đề nghị đưa vào Chương trình năm 2014 trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (năm 2015).

Luật, pháp lệnh ban hành rồi mà không thi hành là thế nào? Tại sao không thi hành? Trách nhiệm ở đâu? Bộ nào chịu trách nhiệm? Chính phủ nói sao? Tôi đề nghị phải làm rõ ra Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc đề nghị chuẩn bị hai dự án luật trên ngay trong năm 2014 là khó khăn cho Chính phủ do sau khi Hiến pháp sửa đổi vừa thông qua thì Chính phủ phải chuẩn bị một số lượng lớn luật. Ông Khoa tán thành phương án đưa vào chương trình chuẩn bị trong năm 2014 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị chất lượng.

Nhấn mạnh năm 2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải đảm bảo tính đồng bộ, ăn khớp trong xây dựng các dự án luật.

Ngoài việc đồng bộ giữa các luật với nhau, còn phải đảm bảo đồng bộ, ăn khớp về thời gian. Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân phải đợi đến sau khi Hiến pháp 1992 sửa đổi được thông qua chứ không thể đi trước Hiến pháp.

Chủ tịch QH cũng băn khoăn tính khả thi về công tác chuẩn bị hai dự luật trên để xem xét cho ý kiến ngay trong năm 2014. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành chưa có bước chuẩn bị chính thức. Ông đề nghị, các dự án luật nêu trên cần chuẩn bị tốt rồi mới đưa vào chương trình xây dựng chính thức.

Lưu ý việc xây dựng chương trình luật đồng thời phải đảm bảo giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị QH kỳ họp này ra Nghị quyết để sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp, quy định thời hạn đăng ký lại của DN có vốn nước ngoài, dù chưa có tiền lệ. Bởi nếu đợi đến khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì sẽ gây khó khăn cho hàng ngàn DN hiện chưa đăng ký lại.

Làm rõ trách nhiệm ban hành luật nhưng không thực thi

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, không phải chỉ “một số” như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề cập, mà nhiều luật được ban hành không được thực thi ngay trong cuộc sống.

Bà Mai nêu ví dụ Pháp lệnh về Người có công được QH rất quan tâm, với 3 chính sách mới cho người bị địch bắt tù đày, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người bị nhiễm chất độc hóa học, có hiệu lực từ 1/9/2012 nhưng trong 3 tháng cuối năm 2012 vẫn không thực hiện được, vì không có văn bản hướng dẫn.

Còn rất nhiều luật thông qua từ năm ngoái, tới nay vẫn chưa thực hiện được, vì phải chờ nghị định.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với ý kiến này và yêu cầu cần làm rõ 2 loại “không thi hành” là luật đã rõ nhưng không thi hành và, đã hướng dẫn nhưng không thi hành hoặc hướng dẫn thi hành chậm.

“Luật, pháp lệnh ban hành rồi mà không thi hành là thế nào? Tại sao không thi hành? Trách nhiệm ở đâu? Bộ nào chịu trách nhiệm? Chính phủ nói sao? Tôi đề nghị phải làm rõ ra QH”- Chủ tịch QH nói và đề nghị chỉ đưa vào chương trình những dự án thật cần thiết, hệ trọng, chuẩn bị tốt, chất lượng, không thể đưa vào chương trình cả những dự án luật “chưa thấy mặt” như Luật Thư viện, tránh trường hợp “đưa vào rồi lại đưa ra”.

Hay như Luật Hộ tịch đưa ra UBTVQH kỳ họp trước đã được yêu cầu lùi lại để chuẩn bị lại vì liên quan đến rất nhiều giấy tờ thân nhân, thủ tục rất phức tạp, thì nay lại thấy đưa ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG