Chim yến và nỗi lo gieo rắc dịch

Chim yến và nỗi lo gieo rắc dịch
TP - Một tuần trở lại đây, các cơ sở kinh doanh tổ yến bắt đầu ngấm tác động tiêu cực từ thông tin gần 5.000 con chim yến ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận nhiễm cúm A/H5N1. Các hộ nuôi yến lo lắng, trong khi các cơ sở kinh doanh yến thành phẩm giờ đây đang đứng trước những nỗi lo: người ăn quay lưng, người mua dè dặt.

> Nguy cơ bùng dịch cúm A/H7N9 từ gia cầm lậu
> Không phát hiện virus cúm trong sản phẩm Yến Việt

TPHCM: Ế ẩm kinh doanh yến

Đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 vốn nổi tiếng với các cửa hàng kinh doanh yến các thương hiệu của Khánh Hòa, Ninh Thuận và Cần Giờ trong những ngày qua luôn vắng bóng người mua. Chủ một cơ sở tổ yến Khánh Hòa trên đường này nói: “Khách hàng nghe tin đàn chim yến nhiễm cúm A/H5N1 nên chả ai ghé ăn món chè tổ yến, cháo yến nữa. Các loại yến thành phẩm bán ra nhỏ giọt so với thời gian trước đó”.

Một cơ sở kinh doanh tổ yến khác trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 giờ đây không dám nhắc đến xuất xứ yến của mình (Ninh Thuận), dù trước đó khách hàng đều được quảng cáo: yến có nguồn gốc ở Ninh Thuận. Anh Hoàng, nhân viên cơ sở này cho biết, thậm chí yến lấy ở Cần Giờ, TPHCM, không liên quan đến việc đàn yến ở Phan Rang nhiễm cúm vẫn không có người mua. Món cháo yến, chè yến…có giá từ 150-250 ngàn đồng/ chén nay giảm giá 20% vẫn ế.

Các hộ kinh doanh yến tạp và thành phẩm ở chợ An Đông, quận 5 và chợ Bình Tây, quận 6 cũng đang ngồi trên lửa khi trữ hàng trăm ki lô gam yến từ những tháng qua nay bị khách hàng quay lưng. Mỗi lạng yến thành phẩm có giá từ 4-7 triệu đồng tùy loại, nhiều hộ trữ yến lên đến 100 kg nay không biết giải quyết thế nào.

Báo động dịch ở “vương quốc yến”

Vì nuôi chim yến lợi nhuận cao đến nỗi nhiều tòa nhà sang trọng xây mới rất đẹp của thị xã trở thành nơi ở của chim yến. Thống kê chưa đầy đủ, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hiện có 217 hộ nuôi yến. Nơi nhiều nhất có khoảng 20.000 con về làm tổ, nơi ít khoảng 5.000 con.

Trưởng Phòng Kinh tế TX Gò Công, ông Trần Minh Hoàng cho biết: “Dù chưa phát hiện chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 nhưng ai cũng lo lắng, hoang mang. Trước mắt, phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, các ban, ngành đoàn thể mời các hộ chăn nuôi đến để thông báo tình hình chim yến nhiễm bệnh cúm A/H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận, bàn luôn cách phòng ngừa, xử lý khi dịch bệnh xảy ra”.

Chúng tôi rảo một vòng quanh thị xã, dọc theo bờ sông cầu Long Chánh, đường Nguyễn Huệ (P.1), khu vực Ao Trường Đua, đường Nguyễn Văn Côn (P.2) và vùng ngoại ô thị xã nơi nào cũng có thể nhìn thấy những căn nhà cao cao, tiếng loa dụ chim yến cũng kêu réo rắt, inh tai.

Ông Mười Một, chủ nuôi chim yến trên đường Nguyễn Huệ TX Gò Công cho hay khi nghe tin chim yến nuôi tại Phan Rang nhiễm virus cúm A/H5N1 kết quả dương tính, ai cũng lo lắng nhưng không biết làm sao với loại chim trời này…

Cách mà ông và nhiều người nuôi yến làm lúc này là niêm phong không cho ai ra vào nhà nuôi yến. Nhưng cũng có hộ phớt lờ dịch bệnh. Ông K. ở P.2 mới nuôi yến 1 năm nay cố tình né tránh khi chúng tôi hỏi thăm và tỏ ra không quan tâm đến dịch bệnh.

Giám sát virus H7N9 toàn tuyến biên giới

Chiều 16/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Đàm Xuân Thành (Phó cục trưởng Thú y-Bộ NN&PTNT) cho biết, đang rà soát toàn bộ (khoảng 500) mẫu gia cầm nhập lậu, mẫu gia cầm tại các chợ lấy từ tháng 9/2012 đến nay để tiến hành xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm H7N9.

Theo đó, đến ngày 16/4, đã xét nghiệm được 151/500 mẫu lấy từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng. Kết quả bước đầu cho thấy, các mẫu đã xét nghiệm đều âm tính với cúm A/H7N9 và H5N1; những mẫu còn lại sẽ được tiếp tục kiểm tra.

Về thông tin chim yến chết hàng loạt vì virus H5N1 (ở Ninh Thuận), Cục Thú y cho hay, nguy cơ dịch lan rộng sang các địa phương khác nằm trên đường đàn chim đi kiếm ăn rất cao.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng hướng dẫn quản lý, trong đó dự kiến tiêu hủy đàn chim yến đã xác định có virus H5N1.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.