Sẽ cho phép mang thai hộ?

Sẽ cho phép mang thai hộ?
TP - Cấm mang thai hộ nhằm tránh mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, lách luật để sinh con thứ ba..., song lại hạn chế mong muốn chính đáng của nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh.

> Nên cho phép mang thai hộ
> Cho phép mang thai hộ, cấm đẻ thuê?

Cho phép mang thai hộ sẽ đem lại niềm hy vọng cho nhiều gia đình hiếm muộn. (ảnh minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh
Cho phép mang thai hộ sẽ đem lại niềm hy vọng cho nhiều gia đình hiếm muộn. (ảnh minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000, diễn ra ngày 16/4. Đồng tình trước vấn đề mang tính thực tiễn, Bộ Tư Pháp đề xuất cần nghiên cứu để luật hóa việc mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi lần này.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ phải “tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và những người yếu thế khác trong quan hệ hôn nhân và gia đình”. Đồng thời “bảo đảm pháp luật về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện được các giá trị truyền thống tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam vừa phù hợp với pháp luật và các giá trị chung về hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế”.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, cho phép mang thai hộ không phải là cho phép “đẻ thuê”. Bản chất mang thai hộ hết sức nhân văn, là sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra em bé.

Trong khi đó, Luật HNGĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ và Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm điều này.

“Việc luật hóa nhằm đảm bảo tính nhân đạo, tạo điều kiện cho các gia đình hiếm muộn”, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư Pháp) nói.

Các đại biểu cũng bàn thảo vấn đề kết hôn đồng giới. Theo Bộ Tư Pháp, việc kết hôn của những người đồng giới và thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính. Theo nhiều đại biểu, cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, không nên ngăn cấm.

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, Luật đã đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân về HNGĐ. Song qua 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ với các văn bản hiện hành, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Tư pháp gút lại 10 nội dung chính sẽ được xem xét, sửa đổi, gồm: điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, tuổi kết hôn, giới tính trong kết hôn, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, hôn ước về tài sản riêng trước hôn nhân, ly thân, mang thai hộ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.