Không để người về hưu bị nợ lương

Không để người về hưu bị nợ lương
TP - Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 16/4 bàn về việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Chủ nhiệm Ủy ban, bà Trương Thị Mai cho rằng, quỹ cần đầu tư hiệu quả hơn để người lao động về hưu không bị nợ lương hưu.

> Doanh nhân sa chân tín dụng đen
> Bị nợ lương, ném ‘bom xăng’ dọa chủ

 “Nếu 50% người trong khu vực lao động chính thức tới đây bước vào tuổi già không có lương hưu thì kinh khủng quá. Chạy về nông thôn chỉ tạm thời tránh được cú sốc kinh tế”. 

Trương Thị Mai

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, hiện doanh nghiệp (DN) nợ hoặc trốn đóng BHXH rất nhiều. DN muốn đóng thì đóng, không đóng thì chế tài xử phạt cũng rất thấp và không hiệu quả. Trong khi đó, không kiểm soát được số lượng lao động thực tế trong DN. Việc chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động ngày càng tăng. Người lao động có lương là bị thu ngay tiền BHXH, nhưng tiền đó có khi bị đưa vào dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hoặc các mục đích khác.

Trước tình hình này, bà Trương Thị Mai yêu cầu công đoàn phải tham gia mạnh để cùng cơ quan BHXH giám sát việc DN đóng BHXH cho người lao động. Làm sao thiết lập quan hệ giữa cơ quan BHXH và người lao động thay vì chỉ qua trung gian là chủ lao động như hiện nay.

“Hàng triệu người lao động bước vào tuổi về hưu phải có khoản tiền thay thế khi họ không còn thu nhập. Lương hưu trong tương lai là của người lao động chứ không phải của chủ lao động. BHXH phải nhận thức được sâu sắc trụ cột của an sinh là người lao động. Nếu 50% người trong khu vực lao động chính thức tới đây bước vào tuổi già không có lương hưu thì kinh khủng quá. Chạy về nông thôn chỉ tạm thời tránh được cú sốc kinh tế. Nếu họ không có lương hưu hoặc lương hưu thấp thì sẽ như thế nào? Câu hỏi này phải suy nghĩ ngay từ bây giờ” - Bà Mai nói.

Hiện nay, việc đầu tư nguồn vốn kết dư quỹ BHXH được cho là “tưởng an toàn mà không an toàn”.

Ước tính hết năm 2012 số kết dư đầu tư quỹ BHXH là 233.611 tỷ đồng. Được đầu tư bằng hình thức cho ngân sách nhà nước vay (55,22%), mua trái phiếu chính phủ (18,19%), cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay (24,7%), cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay (0,155%)... Tỷ lệ lãi suất bình quân 10,4%.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu QH TPHCM cho rằng, cần xem xét lại hoạt động đầu tư nên tập trung vào lĩnh vực nào, rủi ro trong đầu tư quỹ ra sao? Nếu đầu tư mà lãi thu về không bằng tiền trượt giá thì đó là đầu tư sơ cấp. Cho Chính phủ ứng trước để thực thi ngân sách là không phù hợp vì đây là tiền người dân đóng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG