Đau lòng hàng loạt vụ trẻ em đuổi nước: Vì sao?

Trẻ em tử vong do đuối nước ngoài việc không biết bơi, chủ yếu do thiếu sự quan tâm, theo dõi sát sao của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Trẻ em tử vong do đuối nước ngoài việc không biết bơi, chủ yếu do thiếu sự quan tâm, theo dõi sát sao của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO – Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao Động Thương binh Xã hội, trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh thực trạng trẻ em đuối nước hiện nay.

> Hà Nội: Hai bé gái chết đuối trong khu sinh thái
> Tắm sông, hai thanh niên chết đuối
> Những đứa trẻ bị 'nhốt' trong... 'lồng kính'

Hồ nước trong khu sinh thái Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi hai em nhỏ bị đuối nước ngày 15/5. Ảnh: TN
Hồ nước trong khu sinh thái Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi hai em nhỏ bị đuối nước ngày 15/5. Ảnh: TN.

Nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao Động Thương binh Xã hội, cho biết, hiện chưa có thống kê cụ thể về tổng số trẻ em bị đuối nước trong năm tháng đầu năm 2013. Theo báo cáo từ các tỉnh gửi về, hơn 200 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, riêng tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, 51 trẻ chết đuối.

Theo ông An, nguyên nhân chính là sự bất cẩn, vô ý của phụ huynh.

“Qua nghiên cứu của chúng tôi, trẻ nhỏ dưới năm tuổi thường bị đuối nước ở khu vực quanh nhà, như giếng khơi, các hố công trình, xô, chum vại. Còn trẻ lớn tuổi hơn thường chết do tắm, nghịch nước ở ao hồ, sông suối. Nguyên nhân chính là người lớn thiếu quan tâm, giám sát trẻ” – ông An cho biết.

Một nguyên nhân khác chính là môi trường xung quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông, hồ sâu thường không cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Ao quanh nhà, hồ nước sâu, các hố công trình không có rào chắn, không nắp đậy. Chẳng hạn như một số vụ chết đuối do sụt cát ở ven sông Hồng, Phú Thọ.

Mới đây, hai bé bị đuối nước ở khu sinh thái Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) do không có người cảnh giới, không có bảo vệ.

Nguyên nhân thứ ba là trẻ không biết bơi, không có kỹ năng cứu bạn khi đuối nước, kỹ năng tồn tại dưới nước.

Ở Việt Nam, rất nhiều trẻ không biết bơi. Thậm chí, những tỉnh nhiều sông ngòi, thường xuyên phải đối diện với mùa mưa lũ như ĐBSCL, cũng chỉ có 1/3 số trẻ 8 - 15 tuổi biết bơi, và hầu hết trẻ không có kỹ năng cứu đuối nước. Hướng dẫn trẻ cách cứu đuối cũng vô cùng quan trọng.

“Khi trẻ hay bạn bè ngã xuống nước, thì phải hô hoán để những người xung quanh tới cứu hoặc quăng dây, gậy, sào, gỗ nổi xuống cho nạn nhân bám vào. Không biết bơi mà cứ nhảy nhào xuống sẽ chết cùng” – ông An chia sẻ.

Cùng với đó là những kỹ năng tồn tại dưới nước khi bị chuột rút, biết ngửa cổ lên để tồn tại trong vòng mấy phút, đợi người khác đến cứu…

Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định an toàn về sông nước, giao thông đường thủy. Rất nhiều những con đò, thuyền rách nát, không có chất lượng; Người lái đò không có bằng cấp, không chấp hành nội quy như trang bị phao cứu hộ, chở vượt quá số lượng người quy định…

Đặc biệt, những năm gần đây, xảy ra nhiều vụ đắm tàu, thuyền nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ.

Chúng ta còn chưa quên những tai nạn thảm khốc trên sông nước, điển hình như vụ đắm đò ở Cà Tang (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) làm chết 18 em, đắm đò ở Chôm Lôm (huyện Con Cuông, Nghệ An) làm chết 19 em, chìm tàu du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn khiến năm em nhỏ thiệt mạng - ông An nói.

Trẻ em tử vong do đuối nước ngoài việc không biết bơi, chủ yếu do thiếu sự quan tâm, theo dõi sát sao của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Trẻ em tử vong do đuối nước ngoài việc không biết bơi, chủ yếu do thiếu sự quan tâm, theo dõi sát sao của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Không đồng đều

Theo ông An, hiện công tác phòng chống đuối nước cho trẻ ở các tỉnh, thành phố thực hiện không đồng đều nhau. Những tỉnh quan tâm đến trẻ em thì họ cam kết mạnh mẽ, có nguồn lực để hỗ trợ hoạt động này.

Chẳng hạn như Quảng Ninh, năm 2012, bỏ 17 tỷ đồng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, nhiều tỉnh dù vẫn có nguồn lực, tài chính nhưng lại dành để xây nhà hàng, khách sạn, các công trình đồ sộ…, chỉ bỏ ra vài trăm triệu để bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Liên quan đến công tác này, theo Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Đà Nẵng là tỉnh thực hiện tốt nhất công tác này. Lãnh đạo Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác vui chơi, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trong ba năm vừa qua, Đà Nẵng dạy cho 23.000 trẻ em từ 6 - 12 tuổi biết bơi. Họ tự hào là tỉnh không còn trẻ em nào trong độ tuổi trên không biết bơi.

“Các bể bơi của họ đều là bể bơi lắp ghép, không cần cầu kỳ phải xây dựng một bể bơi trong nhà trường có gạch men, nước trong… Đà Nẵng đã tổng kết giá tiền xây một bể cố định có thể mua được 60 bể bơi di động. Bể bơi này có thể lắp ghép được trong các nhà trường, dài 25m, rộng 4,3m, chứa được 6.000m3 nước” – ông An cho biết.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm, hơn 3.500 trẻ em chết do đuối nước trong tổng số hơn 7.000 em bé chết do tất cả các loại tai nạn khác. Sáu tháng đầu năm 2012, trên 800 trẻ em bị đuối nước. Đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao nhất nhì Đông Nam Á, cao gấp 8-10 lần các nước đang phát triển.

Năm nào cũng vậy, cứ hai tháng đầu hè, số trẻ đuối nước lại tăng vọt. Vì vậy, đây chính là thời điểm cần sự phối hợp chặt chẽ để giám sát, giáo dục cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng chống đuối nước.

Theo Viết
MỚI - NÓNG