Miền Trung khô hạn gay gắt

Miền Trung khô hạn gay gắt
TP - Nắng nóng cao điểm cùng với việc các nhà máy thủy điện dè xẻn việc xả nước khiến người dân miền Trung điêu đứng. Lời hứa “sẽ có nước cho dân” trong những cuộc họp giữa lãnh đạo và thủy điện giờ đã “theo gió bay đi”.

> Ngày nóng, mức tiêu thụ điện của Hà Nội tăng 50%
> Thị trường máy lạnh 'nóng' cùng thời tiết

Đất bỏ hoang, thất nghiệp trong chính vụ

Chị Nguyễn Thị Năm Linh (thôn Ngân Hà, Điện Ngọc, Điện Bàn Quảng Nam) cho biết, kì gieo sạ đã qua mấy ngày mà vẫn không có một giọt nước, nên bà con lâm cảnh thất nghiệp ngay trong chính vụ.

Chị Linh cùng gia đình đã chuẩn bị cày ải 5 sào ruộng từ đầu tháng 5 nhưng mãi đến nay vẫn chưa thể gieo sạ theo lịch của huyện. Bà Nguyễn Thị Hồng, (thôn Tứ Ngân, xã Điện Ngọc) thuê người cày phơi ải 3 sào đất để gieo sạ vào ngày 26/5 cho giống ngắn ngày BIO 404 nhưng suốt nửa tháng nay mặn thường xuyên án ngữ trước miệng bể hút với nồng độ cao khiến trạm bơm Tứ Câu không thể vận hành. Lúa giống mua về đành bỏ xó.

Theo Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam, hơn 4 ngàn héc ta ruộng lúa đến kỳ gieo sạ của hơn 5 ngàn hộ dân thuộc vùng Đông Điện Bàn và Đại Lộc nguy cơ bỏ hoang.

Tại Đà Nẵng, do nguồn dự trữ nước ở các hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ đang xuống thấp kỷ lục nên hơn 500 ha đất chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu ở Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang nguy cơ bỏ hoang.

“Theo kế hoạch, cuối tháng 5 hoàn tất gieo sạ cho 3 ngàn ha, nhưng do thiếu nước nên vẫn chưa thể tiến hành”, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, nói.

Tại Bình Định, đến thời điểm này, đã có gần 7 ngàn héc ta đất lúa đến kỳ thiếu nước, trong đó, khoảng 1.300 ha coi như bỏ không hoàn toàn. Đây được xem là đợt khô hạn nặng, kéo dài nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tình trạng nắng nóng khốc liệt cũng khiến 10 ngàn héc ta đất lúa ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thiếu nước, bỏ hoang.

Lời hứa gió bay

Theo ông Võ Đình Nên - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam, tỉnh hiện có 50/74 hồ chứa nước khô cạn, những hồ còn lại chỉ còn 20 - 30% lượng nước.

“Mặc dù vậy, lượng nước này cũng chỉ đủ cung cấp cho khoảng 50% diện tích lúa hè thu. Nếu thời gian tới không có mưa thì diện tích lúa đã gieo sạ bị cháy sẽ tăng từng ngày, thiệt hại còn nặng hơn việc bỏ hoang đất”- ông Nên nói.

Ông Huỳnh Vạn Thắng cho hay, ngoài việc nạo vét sông ngòi, tạo dòng chảy hồ thì việc cần kíp nhất bây giờ là yêu cầu các nhà máy thủy điện tuân thủ Luật Tài nguyên nước, khẩn trương xả nước đúng quy trình cứu lúa cho dân.

“Đặc biệt là NMTĐ Đăkmi 4, họ phải tích cực phối hợp với địa phương, thực hiện đúng lời hứa trong cuộc họp ngày 31/3 tại Đà Nẵng”.

Theo ông Thắng, để thủy điện Đăkmi 4 chấp hành tốt, không những Đà Nẵng, Quảng Nam mà cả Trung ương cũng phải vào cuộc. Tại cuộc họp ngày 31/3, trước sự đòi hỏi gay gắt của phía Đà Nẵng, đại diện Bộ NN&PTNT cùng thủy điện Đăkmi 4 đã thống nhất xả 50m3/s từ ngày 15 đến 30/5 để gieo sạ.

“Nếu họ xả phân nửa chừng đó thôi cũng tốt lắm rồi, đằng này họ vẫn dè xẻn xả nước, chủ yếu để dành phát điện” - ông Thắng nói.

Còn nhớ ngay sau cuộc họp, ông Đào Minh Tiến - Phó Tổng GĐ IDICO (chủ đầu tư Đăkmi 4) trả lời báo chí: Địa phương yêu cầu xả bao nhiêu chúng tôi xả bấy nhiêu. Cũng lời hứa đó, trước sự chứng kiến của Bộ NN&PTNT, đại diện EVN, lãnh đạo 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam rất lạc quan trước tình hình cung cấp nước cho gieo sạ vụ hè thu. Nay thì gần 100 ngàn héc ta đất toàn miền Trung đang nguy cơ thiếu nước, lời hứa hôm nào đã theo gió bay đi.

Tại Bình Định, đến thời điểm này, đã có gần 7 ngàn héc ta đất lúa đến kỳ thiếu nước, trong đó, khoảng 1.300 ha coi như bỏ không hoàn toàn. Đây được xem là đợt khô hạn nặng, kéo dài nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tình trạng nắng nóng khốc liệt cũng khiến 10 ngàn héc ta đất lúa ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thiếu nước, bỏ hoang.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.