Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt
TPO – Sáng 10/6, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành các thủ tục đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây là nhiệm vụ “hết sức hệ trọng”.

> Chưa có thông tin về 'chạy' phiếu tín nhiệm
> Bộ trưởng mời cơm tôi sẵn sàng nhận lời

Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm
Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng 10/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Tham gia biểu quyết danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm có tất cả 483 đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành với danh sách 47 người đang giữ chức danh là 476 người (chiếm 95,58%); không tán thành là 6 (chiếm 1,2%); không biểu quyết là 1 (chiếm 0,2%).

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Dự kiến, sáng mai (11/6), Ban Kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất. Các đại biểu cũng sẵn sàng tâm thế lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội.

>> Danh sách 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá “Đây là lần đầu tiên thực hiện giám sát tối cao đối với nhân sự, trên thế giới chưa có nước nào làm với diện rộng như vậy”.

Với chức năng, quyền năng của mình, các vị ĐB Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ hết sức hệ trọng: đánh giá tín nhiệm đối với những chức danh nhà nước chủ chốt (các đại biểu Quốc hội bầu trong nhiệm kỳ chưa được 2 năm).

hủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chia sẻ cảm xúc trên cương vị vừa là người được tham gia bỏ phiếu vừa là người được các đại biểu đánh giá tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nên có 2 tâm trạng.

Thứ nhất là hồi hợp chờ đợi xem Quốc hội đánh giá như nào để còn phấn đấu, thứ hai là tâm trạng để thả lá phiếu vào thùng sao cho chính xác. "Động tác đó rất đơn giản nhưng ý nghĩa rất lớn, làm sao phải công khai, khách quan, công tâm thì chúng ta sẽ làm chính xác".

"Chúng tôi tin tưởng Quốc hội chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, trước nhà nước và đặc biệt trước nhân dân, cử tri cả nước (có vị đại biểu Quốc hội nói đây là cuộc bỏ phiếu kép: đại biểu Quốc hội bỏ phiếu và nhân dân bỏ phiếu đại biểu Quốc hội) nên phải thực hiện tốt trọng trách của mình". Chủ tịch Quốc hội nói.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Ba mức tín nhiệm

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH được quy định như sau: Người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH.

UBTVQH gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (nếu có) đến đại biểu QH chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Chậm nhất trước ngày QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 10 ngày, đại biểu QH có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Ban kiểm phiếu công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người được lấy phiếu tín nhiệm.

Năm trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

Theo Nghị quyết, UBTVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trong 5 trường hợp sau: UBTVQH đề nghị, có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH, có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của QH, người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp”, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.

Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, sau khi UBTVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp, người được đưa ra bỏ phiếu có quyền trình bày ý kiến của mình trước QH. QH tiến hành thảo luận và trong trường hợp cần thiết, đại biểu QH thảo luận tại đoàn.

Chủ tịch QH cũng có thể họp với các trưởng đoàn đại biểu QH để trao đổi những vấn đề liên quan. Sau khi UBTVQH báo cáo trước QH kết quả thảo luận tại đoàn, QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm với 2 mức: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG