Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm

Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm
TP - Theo chương trình nghị sự, sáng nay (11/6), Quốc hội sẽ công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

> Bên lề cuộc lấy phiếu tín nhiệm
> Cuộc bỏ phiếu kép
> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt
> Chưa có thông tin về 'chạy' phiếu tín nhiệm

Cuối giờ chiều qua, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu 47 chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu ngay sau đó. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét “đây là công việc khá vất vả”.

Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thảo luận tại Đoàn liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm (trước đó), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: UBTVQH đã nhận được biên bản của 63 đoàn ĐBQH, đa số đều cho rằng việc lấy phiếu là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, được thực hiện, nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Một số ĐB đề nghị bổ sung danh sách lấy phiếu đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Bộ trưởng Tài chính; ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài chính, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước. UBTVQH cho rằng, theo quy định người được lấy phiếu phải đang giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thời gian giữ chức vụ đó cần phải đủ để có cơ sở đánh giá.

Thời điểm lấy phiếu, ông Vương Đình Huệ không còn là Bộ trưởng Tài chính; ông Dũng và ông Vạn vừa được bầu, phê chuẩn giữ chức vụ hiện tại. UBTVQH đã báo cáo và được chấp thuận không lấy phiếu tín nhiệm đối với 2 chức danh mới được bầu và phê chuẩn với ông Đinh Tiến Dũng và ông Nguyễn Hữu Vạn.

Ngoài ra, khi QH phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng cũng đã xem xét, đánh giá cả quá trình công tác trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước. UBTVQH trân trọng đề nghị QH chấp thuận danh sách như đã được QH thông qua (gồm 47 chức danh).

Quan trọng là công tâm

Các ĐBQH bỏ phiếu trong phiên lấy phiếu tín nhiệm chiều qua tại Hội trường. ảnh: thắng ngọc
Các ĐBQH bỏ phiếu trong phiên lấy phiếu tín nhiệm chiều qua tại Hội trường. ảnh: thắng ngọc.

Giải đáp ý kiến ĐBQH đề nghị có hướng dẫn cụ thể về căn cứ lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “quan trọng nhất là phải đánh giá công tâm, khách quan”.

Cũng theo ông, “2 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu. Đây là những khó khăn khách quan chung của tình hình thế giới và trong nước. Do đó, việc đánh giá cần có sự cân nhắc kỹ, gắn với tình hình thực tiễn, khó khăn khách quan, sự chuyển biến tình hình trong thời gian qua” - Chủ tịch QH nhấn mạnh tại báo cáo.

Theo Chủ tịch QH, thực hiện quyền yêu cầu người được lấy phiếu giải trình thêm, có 1 ĐB đề nghị báo cáo giải trình thêm và người được yêu cầu đã thực hiện đúng quy định.

Nhiều ĐB đề nghị nên lấy phiếu sau phiên chất vấn, UBTVQH cho rằng đây cũng là yêu cầu xác đáng.

Tuy nhiên tại kỳ họp này phiên chất vấn chỉ được diễn ra trong 2,5 ngày đối với 4 Bộ trưởng; việc chất vấn và trả lời chất vấn đã được thực hiện qua nhiều kỳ họp QH, nhiều phiên họp ở UB TVQH. ĐB đã có căn cứ xem xét việc trả lời của các Bộ trưởng, thành viên chính phủ ở các kỳ họp trước. Do đó việc lấy phiếu tại kỳ họp này trước phiên chất vấn cũng là điều phù hợp.

“Lần đầu thực hiện nên không tránh khỏi những mặt còn hạn chế, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng để trình QH nếu cần thiết để bổ sung, hoàn thiện NQ35 của QH” - Chủ tịch QH cho biết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đây là việc rất hệ trọng

Báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao của mình đối với vấn đề nhân sự.

“Đây là việc rất hệ trọng, đồng bào cử tri đang theo dõi và có ý xem Quốc hội làm việc thế nào... Căn cứ quan trọng nhất để lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội” - Ông nói và cho biết: “Đây là lần đầu tiên trên thế giới việc này được tiến hành ở Quốc hội”.

Chủ tịch QH chia sẻ, “Tôi cũng là một người tham gia bỏ phiếu và cũng là người được Quốc hội đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu. Vì vậy, tôi có hai tâm trạng, vừa hồi hộp chờ đợi kết quả xem Quốc hội đánh giá mình thế nào để tiếp tục phấn đấu, đồng thời cũng có tâm trạng khi đánh giá, bỏ phiếu đồng chí khác” .

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Bỏ phiếu trên quan điểm của dân

Rất vui vì sự dân chủ được thể hiện được tuyệt đối. Không bỡ ngỡ với việc lấy phiếu tín nhiệm vì việc này đã được chuẩn bị tốt, chu đáo trong một thời gian dài.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ báo cáo của 47 chức danh được lấy phiếu. Tôi không hề băn khoăn và tin rằng ĐB khác cũng không hề băn khoăn vì tất cả về cơ bản đã có đủ thông tin. Đã có thời gian gần 2 năm để các ĐBQH đánh giá các chức danh chủ chốt thông qua hoạt động của họ trong lĩnh vực được giao.

Quan trọng nhất, tôi cho rằng các ĐB bỏ phiếu trên quan điểm của nhân dân, của cử tri chứ không phải quan điểm của cá nhân mỗi ĐB.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Phải có quy chuẩn báo cáo

TP - Trước hết là tôi thấy việc chuẩn bị phiếu theo nhóm là tốt (chia thành 10 nhóm), để ĐB có điều kiện so sánh trong từng nhóm một, so sánh từng loại nhiệm vụ chức năng mà Nhà nước giao cho các vị.

Thời gian chuẩn bị cũng tương đối dài. Theo cá nhân tôi, đợt sau phải rút kinh nghiệm về một số vấn đề, thí dụ như thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như thế nào cho thích hợp; báo cáo của các vị cũng phải có quy chuẩn, chứ không người thì dài, người thì ngắn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.