Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải làm tròn trách nhiệm của mình

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải làm tròn trách nhiệm của mình
TP - Giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng; chống tham nhũng, tiêu cực; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vô cảm; nạn ăn cắp xăng dầu, tội phạm băng nhóm; trọng dụng nhân tài... là những vấn đề nóng, được ĐB quan tâm chất vấn Phó Thủ tướng, chiều qua (14/6).

Với 14 ý lượt ý kiến ĐBQH được trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, “Phó Thủ tướng đã trả lời rất cặn kẽ, thận trọng những vấn đề ĐBQH đặt ra”.

Tái cơ cấu - Thông điệp của Phó Thủ tướng có lạc quan?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ “Tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu trong các lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng và các tập đoàn chậm vì sao, liệu có nguyên nhân từ “nhóm lợi ích” không? Trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ là gì?”.

Đi vào cụ thể, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị cho biết kết quả tái cơ cấu DN Vinashin, Vinaline đang ở mức nào? “Vinashin, Vinaline là gam màu tối về hình ảnh tập đoàn nhà nước với món nợ xấu khổng lồ, có nhiều con tàu đang là đầu vào của ngành sản xuất thép. Thông điệp của Phó Thủ tướng chuyển tới Quốc hội có lạc quan hay không?”- ĐB Tiến chất vấn.

 “Những cán bộ vô cảm, nhũng nhiễu, né trách nhiệm đang làm suy giảm hiệu quả bộ máy hành chính. Phải quy rõ trách nhiệm từ cấp trưởng phòng trực tiếp. Các cấp phải xử lý nghiêm và đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ đó. Chúng ta sẽ lấy tiêu chí là sự hài lòng của người dân, DN để chấm dứt sự vô cảm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức”  

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế bị chậm vì đây là vấn đề rất lớn, động chạm nhiều ngành, nhiều địa phương, cả người dân, doanh nghiệp, nên cần có đủ thể chế, cơ chế. Bên cạnh đó, thị trường tài chính trong và ngoài nước đang rất khó khăn nên có khi “muốn cổ phần hóa nhưng lại không có người mua”, tức là nguồn lực hạn chế.

“Có cả nguyên nhân từ chỉ đạo, cho nên Chính phủ sẽ phải chỉ đạo quyết liệt hơn” - Phó Thủ tướng nói. Tới đây Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thắt chặt đầu tư công, chống đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát trong sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ.

Về tín dụng, Chính phủ sẽ tập trung xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu tại các tập đoàn. Đến nay có 9 Ngân hàng thương mại đã được củng cố, 6/9 tập đoàn được xem xét và 27 DN được tái cơ cấu.

Phó Thủ tướng nhìn nhận việc chậm trễ có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chính phủ có trách nhiệm và sẽ thúc đẩy tốt hơn.

Trả lời về Vinashin (VNS), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến nay đã xử lý nghiêm trách nhiệm Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình và 8 cán bộ liên quan, đã khởi tố 18 bị can khác tại 5 địa phương. Như vậy, pháp luật đã xử nghiêm khắc những người có trách nhiệm.

Với phương châm quyết liệt, triệt để, quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, VNS chỉ giữ lại 8 DN nòng cốt với khoảng 8 nghìn công nhân lành nghề.

“Cũng có ý kiến là tại sao không cho phá sản luôn, nhưng cho phá sản thì 30 nghìn gia đình sẽ đi đâu? Nước ta là nước có thế mạnh nghề biển, không thể không có chiến lược phát triển ngành đóng tàu. Thực tế cho chúng ta thấy rõ việc tái cơ cấu VNS có lợi hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Tham nhũng - chưa thể đẩy lùi

ĐB Lê Như Tiến phát biểu chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Như Tiến phát biểu chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trả lời ĐB Lê Như Tiến “giải pháp đột phá trong phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo”, Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng ta chưa đẩy lùi được và tham nhũng còn nghiêm trọng, tinh vi gây bức xúc nhân dân nhất là lĩnh vực xây dựng, đất đai, khoáng sản”.

Theo Phó Thủ tướng, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chúng ta vẫn phải tăng cường thể chế, xử lý kiên quyết các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có.

Chất vấn thêm, ĐB Lê Như Tiến đề nghị Phó Thủ tướng nên sử dụng từ “tôi” thay “chúng tôi” vì từ “chúng tôi”dễ làm nhòe trách nhiệm cá nhân: “Với trách nhiệm của mình, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý được bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình, bao nhiêu vụ khiếu nại, tố cáo? Bài học sâu sắc nhất cả thành công và không thành công của Phó Thủ tướng là gì?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, ông đã thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xây dựng thể chế và đã xử lý một số vụ tham nhũng nổi cộm. Ông cùng với Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo giải quyết 528 vụ KNTC tồn đọng, kéo dài, đến nay đã xử lý đứt điểm 462 vụ (có vụ kéo dài tới 20 năm).

“ĐB hỏi bài học sâu sắc nhất là gì, tôi xin trả lời đó là phải tâm huyết, làm tròn trách nhiệm của mình, trước Thủ tướng, về những những vấn đề mình được phân công” - Phó Thủ tướng nói.

Cán bộ vô cảm - phải đưa ra khỏi nền công vụ

Trả lời ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) “giải pháp của Chính phủ đối với tình trạng cán bộ cửa quyền, vô cảm, nhũng nhiễu dân”, “một bộ phận cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về, làm việc không hiệu quả”? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nền hành chính của ta còn bất cập, cần khắc phục quyết liệt hơn. Chúng ta cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của người thi hành công vụ. Tới đây phải thực hiện cho được đề án đơn giản các loại giấy tờ, sẽ rút bớt khoảng 20 loại giấy tờ liên quan đến người dân chỉ còn một loại thôi.

Giữ cuộc sống bình yên cho dân

Nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp đấu tranh với tội phạm bảo kê, băng nhóm đòi nợ, bảo kê bến xe nổi lên thời gian qua. Cũng theo ĐB này, cần xử lý nghiêm các nạn rút ruột xăng dầu và những cây xăng mất an toàn.

Phó Thủ tướng cho biết, để xảy ra tình trạng nói trên có trách nhiệm của Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên tục mở các đợt tấn công phòng chống tội phạm, kể cả tham nhũng, băng nhóm xã hội đen, với tinh thần “đánh mạnh”, “đánh trúng”, phải đảm bảo giữ cuộc sống an toàn cho dân. “Địa bàn nào để xảy ra tình trạng đó mà không khắc phục được thì phải ngưng chức vụ của cán bộ phụ trách tại đó” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, rút ruột xăng dầu là gian lận, là ăn cắp, ngành Công an, quản lý thị trường phải vào cuộc xử lý. Đề nghị người dân, báo chí cùng vào cuộc phát hiện tiêu cực trong lĩnh vực này. Trong vụ việc tại Quảng Ninh vừa qua, chúng tôi đã gọi điện trực tiếp đến các đồng chí liên quan, yêu cầu phải xử lý ngay đối tượng vi phạm. Đối với quy hoạch các cây xăng, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG