Quốc hội hoàn thành kỳ họp lịch sử

Quốc hội hoàn thành kỳ họp lịch sử
Đánh giá nhiều nội dung quan trọng như thảo luận sửa Hiến pháp, hoãn thông qua luật Đất đai sửa đổi, đặc biệt là thực hiện thành công việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đã hoàn thành trọng trách một kỳ họp lịch sử.

Quốc hội hoàn thành kỳ họp lịch sử

> Quốc hội bế mạc sau 5 tuần làm việc 

Đánh giá nhiều nội dung quan trọng như thảo luận sửa Hiến pháp, hoãn thông qua luật Đất đai sửa đổi, đặc biệt là thực hiện thành công việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đã hoàn thành trọng trách một kỳ họp lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Kết quả lấy phiếu thể hiện chân thực tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đất nước".
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố Quốc hội hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 5 với trọng trách trước nhân dân, đất nước; đã đánh giá khách quan, sâu sắc những việc đã làm được, chưa làm được khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đề cập giải pháp tích cực thời gian tới.

Ông Hùng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong tình hình khó khăn, “chưa thuận” hiện nay, đã cố gắng để được những thành quả rõ rệt. Những tháng cuối năm, Chính phủ đã tập trung thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế, nợ xấu, hàng tồn kho giảm, bảo đảm quốc phòng an ninh, phấn đấu hoàn thành tốt nhất những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu kinh tế xã hội cả năm, mở ra triển vọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2015.

Đánh giá về việc thảo luận sửa hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội khái quát, các đại biểu đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, nhất là các vấn đề có tính nguyên tắc hệ thống về thể chế chính trị, về quyền làm chủ của nhân dân. Ông Hùng nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu đến 30/9/2013 để hoàn thiện dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Một lần nữa nhắc lại lần đầu tiên Quốc hội tổ chức hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, cả quy trình được làm một cách dân chủ, công khai và minh bạch để đồng bào cử tri cả nước theo dõi, giám sát. Các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, theo dõi, đánh giá một cách công tâm các vị được lấy phiếu.

“Kết quả lấy phiếu thể hiện chân thực tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đất nước” – đánh giá chốt lại, ông Hùng cũng nhắc nhở, đây là kinh nghiệm cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ở HĐND các cấp tới đây để Quốc hội giám sát công việc này.

Trước đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với hơn 95% đại biểu tán thành.

UB Thường vụ Quốc hội khi tiếp nhận một số ý kiến cho rằng nhiều người trả lời chất vấn chưa giải đáp hết các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu ra, còn biểu hiện né tránh hoặc trả lời chung chung nên đề nghị không khẳng định trong Nghị quyết là các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp được các vấn đề mà đại biểu nêu ra. UB Thường vụ đã tiếp thu ý kiến này, chỉnh lý lại dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, Nghị quyết chỉ đưa ra nhận định, phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành với trách nhiệm của mình cơ bản giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu và đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giải quyết.

Nhiều ý kiến khác lại “phê” việc chưa đề cập nội dung chất vấn các Phó Thủ tướng. UB Thường vụ Quốc hội kiến giải, tại phiên chất vấn, các Phó Thủ tướng phát biểu với tư cách người thay mặt Chính phủ để làm rõ thêm những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Những nội dung này đã được đưa vào từng lĩnh vực cụ thể trong Nghị quyết nên ý kiến này không được bổ sung.

Xét từng lĩnh vực cụ thể, trước hết, lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội nêu yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát xây dựng những mô hình cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi thủy, hải sản, rừng.

Đối với yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT phải có giải tháo gỡ khó khăn cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long như thu mua lúa gạo tồn đọng, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%, UB Thường vụ nhận định, đây là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Dự thảo Nghị quyết cũng đã nêu yêu cầu đẩy mạnh giải pháp tiêu thụ nông sản, ổn định giá thu mua lúa, hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm, thuế… để phát triển nông nghiệp bền vững.

Với yêu cầu giữ ổn định cơ bản giá nông sản cả nước thay cho phạm vi hẹp là ổn định giá thu mua lúa, UB Thường vụ lo ngại khi nguồn lực có hạn, chỉ đảm bảo ổn định giá thu mua lúa gạo là phù hợp.

Ngoài ra, Quốc hội cũng thống nhất giao Bộ trưởng Cao Đức Phát rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cắm mốc phân loại các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; khắc phục nạn phá rừng, chống cháy rừng; sơ kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đối với Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Nghị quyết chất vấn nêu yêu cầu ông Tuấn Anh cần có giải pháp tích cực để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chấn chỉnh hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật; bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, khuyến khích các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống...

Riêng với ngành du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch. Xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam. Áp dụng các tiêu chuẩn trong phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hiện tượng tiêu cực; phối hợp chặt chẽ các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu du lịch, điểm du lịch.

Mục tiêu cụ thể Quốc hội đề ra, đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế; sau 2020, có vị trí xứng đáng trong khu vực.

Đối với lĩnh vực Lao động - Thương binh &Xã hội của nữ Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, 4 yêu cầu được đưa ra, trong đó có việc quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý trong nước, đơn vị sử dụng lao động ngoài nước và người lao động. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách, chế độ, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nghiên cứu, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường ổn định, chi phí thấp, quyền lợi của người lao động được bảo đảm

Ngoài ra, Bộ trưởng Hải Chuyền phải tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định của pháp luật về lao động. Cùng với đó, nữ Bộ trưởng nhận lời nhắc nhở khẩn trương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về người có công đã được ban hành. Đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ còn tồn đọng, hướng dẫn lập hồ sơ đối với các trường hợp mất hồ sơ gốc, bảo đảm giải quyết đúng chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

Đối với hoạt động của Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện các chỉ tiêu giao cho ngành trong Nghị quyết số 37. Nâng cao chất lượng kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời khắc phục những tiêu cực, tồn tại trong ngành kiểm sát.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng được lưu ý phải nâng cao chất lượng công tác truy tố, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn, không để tồn đọng kéo dài; tăng cường vai trò chủ động, tích cực và nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Bảo đảm chất lượng các kháng nghị của VKS.

Theo P.Thảo
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG