Phó Thủ tướng: Hạn chế can thiệp hành chính vào giao lưu dân sự

Phó Thủ tướng: Hạn chế can thiệp hành chính vào giao lưu dân sự
TP - Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

> Kiên quyết loại trừ cán bộ vô cảm
> Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải làm tròn trách nhiệm của mình

Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật tư, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của Bộ luật hiện hành như: chưa xác định rõ mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với các văn bản luật khác điều chỉnh quan hệ dân sự; vẫn còn các quy định mang nặng tính hành chính; chưa phát huy được vai trò là luật chung, luật gốc trong hệ thống pháp luật tư; việc công nhận, thực hiện quyền dân sự về nhân thân, tài sản còn nhiều bất cập, có thể gây ra nhiều rủi ro pháp lý…

“Trong lần sửa đổi này, tôi cho rằng Bộ luật Dân sự cần phải thể hiện được hai quan điểm rất quan trọng. Thứ nhất, Bộ luật phải thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, là phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được cú hích đáng kể cho sự phát triển của các quan hệ thị trường, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể tham gia các hoạt động giao lưu dân sự, hạn chế thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào giao lưu dân sự”- Phó Thủ tướng đề nghị.

Đánh giá Bộ luật Dân sự năm 2005 qua thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự của ngành TAND, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) cho biết, năm 2006, TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm gần 130 nghìn vụ việc dân sự, xét xử phúc thẩm hơn 16 nghìn vụ việc, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 619 vụ việc.

Năm 2009, so với các con số trên, các vụ việc đều tăng. Đến năm 2012, TAND các cấp đã thụ lý với số vụ việc tăng cao hơn 271 nghìn vụ, trong đó giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm gần 232 nghìn vụ, theo thủ tục phúc thẩm hơn 13 nghìn vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.185 vụ việc.

“Các tranh chấp về dân sự, các yêu cầu giải quyết việc dân sự có xu hướng diễn ra ngày càng nhiều hơn, tính chất phức tạp hơn, giá trị tranh chấp cao hơn. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp một phần là do cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, các giao dịch dân sự diễn ra đa dạng và ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, người dân chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật dân sự nên các giao dịch dân sự nhiều khi được thực hiện nhưng không đảm bảo về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật” - ông Cường đánh giá.

Phân tích về những định hướng lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) nói sẽ hoàn thiện hơn nữa địa vị pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, nhất là đối với hộ gia đình và tổ hợp tác.

Bộ luật Dân sự sẽ xác định lại các hình thức sở hữu, quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về các loại vật quyền ngoài quyền sở hữu. Sửa đổi Bộ luật Dân sự cũng sẽ tăng cường cơ chế bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, nhất là quyền được bồi thường thiệt hại.

“Sửa đổi Bộ luật sẽ tạo cơ chế pháp lý đầy đủ và rõ ràng hơn để bảo đảm tính ổn định cao của quan hệ thị trường; khắc phục tình trạng nhiều quan hệ hợp đồng bị các bên chấm dứt một cách tùy tiện hoặc bị Tòa án tuyên bố vô hiệu một cách cứng nhắc”- ông Huệ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG